Hiệu quả từ các mô hình sản xuất mới
Phát huy kết quả và hiệu quả đạt được từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ đô đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông trong trồng trọt và chăn nuôi theo kế hoạch và khung thời vụ. Bước đầu cho thấy, hướng đi này đang được triển khai đúng hướng, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch năng suất, chất lượng cao.
Trong đó, có thể kể đến thành công của mô hình sản xuất lúa hai vụ chất lượng cao quy mô 100ha theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng về khung thời vụ, đã có 50ha đất chân vàn được gieo trồng giống lúa TBR225 (có gen kháng bạc lá) và giống HD11 áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Kết quả cho thấy, năng suất sau khi triển khai mô hình cao hơn 10 - 20% so với phương pháp cấy truyền thống (trung bình đạt 60-69,4 tạ/ha). Trong vụ mùa, cũng có 50ha được áp dụng sản xuất theo mô hình này với các giống lúa TBR225, HD11 và nếp cái hoa vàng.
Không chỉ áp dụng trong canh tác lúa, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông trong lĩnh vực trồng trọt, như: mô thâm canh bưởi Diễn VietGAP quy mô 19,7ha; mô hình trình diễn hoa sen giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu, quy mô 17ha, thực hiện trên các giống thu hoa (Bách diệp, Quan âm, Supper), giống thu hạt (sen mặt bằng)… Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đã có 7 mô hình sản xuất theo kế hoạch, khung thời vụ được ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện, mang lại kết quả tương đối khả quan.

Điển hình, như mô hình chăn nuôi bò sinh sản quy mô 170 con bò cái Zebu (lai Shind, lai Brahman…) được thực hiện trong hai năm 2023 - 2024. Với mô hình này, giống bò cái nền sinh sản được đưa vào nuôi tại các vùng có bãi chăn thả, vùng chăn nuôi trọng điểm giàu thức ăn xanh, áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống 3B chuyên thịt giúp gia tăng số lượng đàn bò cái nền và sản lượng bò thịt. Tương tự, là mô hình nuôi thả 225 nghìn con cá chép V1 và 150 nghìn con cá rô phi theo hướng VietGAP trên quy mô 25ha diện tích mặt nước. Kết quả cho thấy, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều; cá chép, cá rô phi đều cho trọng lượng trung bình 640-660 gram/con…
Từ thực tế triển khai cho thấy, tham gia các mô hình, các chủ thể sản xuất được tập huấn, trang bị, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, như: áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ghi chép sổ sách nhật ký. Toàn bộ quá trình sản xuất được quản lý chặt chẽ, minh bạch và bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Đặc biệt, nhận thức của người dân có sự thay đổi rõ rệt, lối sản xuất truyền thống dần được thay thế bằng tư duy sản xuất mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, bảo vệ môi trường…; gắn chặt với chuỗi giá trị, tăng cường tính liên kết hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại.
Mang lại thu nhập cao cho nông dân
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung, nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn bị ảnh hưởng bởi phương thức sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, làm hạn chế năng suất, chất lượng sản phẩm. Vẫn còn một bộ phận lao động lớn tuổi, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa cao nên còn thụ động, chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, khó lường; đặc biệt, là ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng một số mô hình; một số mô hình trồng trọt khác chưa thể triển khai do mưa nhiều. Ngoài ra, giá nông sản, vật tư đầu vào không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và công tác chỉ đạo triển khai mô hình khuyến nông.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp khắc phục; nhất là việc điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp điều kiện thực tế. Ngành khuyến nông sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn các hộ nông dân tham gia mô hình thực hiện tốt công tác chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm; làm tốt công tác dự báo, phát hiện sớm, xử lý ngay khi có dấu hiệu của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chủ động biện pháp phòng, chống mưa bão từ nay đến cuối năm...
Bên cạnh đó, ngành khuyến nông Hà Nội cũng tập trung đánh giá, tổng kết các mô hình còn lại; tiếp tục hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2024 - 2025; xuất cấp hỗ trợ giống, vật tư cho mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm; hợp tác với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp...
(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)