Làm rõ các quy định phù hợp với nguyên tắc “lấy nhà khoa học là trung tâm”
Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có vai trò rất quan trọng, là một trong những đạo luật nòng cốt để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Do đó, việc khẩn trương hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới đây là rất cần thiết.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, bố cục của dự thảo Luật phải rà soát thêm. Đơn cử, dự thảo Luật thiết kế Chương II quy định quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, nhưng đồng thời cũng có Chương VII về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có một số nội dung trùng lặp và nhắc lại quy định của nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cần thiết kế để bảo đảm bố cục hợp lý và ngắn gọn hơn. Dung lượng của dự thảo Luật hiện đang là 8 chương, 95 điều, song một số quy định còn khá chung chung và nguyên tắc. “Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, các cơ quan cần tiếp tục rà soát, quy định gọn hơn và đúng tinh thần những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì quy định, những vấn đề đã giao cho Chính phủ hoặc đã có quy định giao Thủ tướng Chính phủ thì không nên đưa vào trong dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Về mức độ thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có quy định thể chế hóa nội dung: cơ chế cho phép, khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học, công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp; mở rộng đa dạng hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ quy định tại khoản 4 Điều 11 để phù hợp với nguyên tắc “lấy nhà khoa học là trung tâm” nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; bổ sung đối tượng “tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm” không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; bổ sung quy định phong tặng viện sĩ viện hàn lâm cho cá nhân nước ngoài là các nhà khoa học xuất sắc, góp phần vào nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ...
Đưa nội dung về nguồn nhân lực lên thứ tự ưu tiên trong hệ thống chính sách
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và thu hút nhà khoa học là Việt kiều và người nước ngoài tại Điều 11 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Điều 11 thể hiện 10 nội dung chính sách về phát triển khoa học công nghệ, trong đó chính sách về phát triển nguồn nhân lực được xếp cuối cùng tại khoản 10, sau các chính sách về đầu tư, cơ sở vật chất, kỹ thuật, chính sách về phát triển thị trường khoa học công nghệ, chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển, chính sách về hội nhập quốc tế...
Cho rằng, việc xếp thứ tự này mang ý nghĩa của việc đề cao chính sách nào và cần tập trung chính sách nào ở những thứ tự ưu tiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, đối với phát triển khoa học, công nghệ thì chính sách về nguồn nhân lực là vấn đề phải ưu tiên hàng đầu. Bởi, đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo bước đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, đã xác định yếu tố tiên quyết là thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược, trong đó cần có những tuyên bố rất rõ ràng về thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ từ trí thức Việt kiều và người nước ngoài.
Nghị quyết 57-NQ/TW cũng quy định về ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống; có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các tổng công trình sư trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo...
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần nghiên cứu, điều chỉnh đưa nội dung về nguồn nhân lực lên thứ tự ưu tiên trong hệ thống chính sách. Đồng thời, bổ sung những nội hàm về thu hút nguồn nhân lực là Việt kiều và người nước ngoài, vì đây là đối tượng rất đặc thù. Nếu không có những quy định rõ ràng về điều kiện, cơ chế, chính sách cụ thể sẽ rất khó để thực hiện được chủ trương này.

“Dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW cho tương xứng vì việc thu hút trí thức là kiều bào ở nước ngoài cần được xem xét ở góc độ không chỉ ở hoạt động hợp tác quốc tế mà còn là việc thu hút để họ làm việc, sinh sống ổn định và gắn bó cũng như có những điều kiện thuận lợi để thực hiện việc xây dựng và duy trì mạng lưới kết nối tri thức Việt Nam ở nước ngoài; trách nhiệm dự báo và thông tin kịp thời về nhu cầu sử dụng chuyên gia trong nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và giải trình toàn bộ các ý kiến; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với tinh thần thận trọng, khoa học, thực tiễn bảo đảm chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, với sự đồng hành của Quốc hội, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành một công cụ pháp lý quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.