Phát huy tích cực, hạn chế tiêu cực của luật tục

- Thứ Năm, 14/07/2022, 06:03 - Chia sẻ

Lò Thị Luyến - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Luật tục có 2 mặt, nếu tích cực, sẽ hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng, địa phương; nếu tiêu cực (hủ tục) sẽ kìm hãm sự phát triển. Vì thế, cần phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của luật tục trong xây dựng chính sách pháp luật, góp phần quản lý xã hội hiệu quả.

Hiểu đúng các tập tục

Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 18 dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Khơ Mú, Lào, Hà Nhì, Kháng, Si La, Cống, Dao, Hoa... Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên nói riêng, trên cả nước nói chung, có nhiều tập quán tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, như giữ rừng thiêng đầu nguồn nước, đánh dấu gia cầm để không nhận nhầm của nhau, đánh dấu để khai thác cây trong rừng, ở rể, bắt vợ, lễ ăn mừng cơm mới, cúng bản, cúng mường…

Mỗi tập tục có câu chuyện riêng, hoặc là có thật hoặc được thần thánh hóa, gắn với tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... của từng dân tộc, được cộng đồng tộc người đó thừa nhận và tự nguyện thực hiện. Các tập tục này được bảo đảm thực hiện bằng cơ chế giám sát và đánh giá bởi chính đồng bào. Những người vi phạm tập tục cũng đồng nghĩa với việc xúc phạm đến thần linh, đến đức tin của cả cộng đồng. Trong một số lĩnh vực, trường hợp nhất định, các tập tục có khả năng thay thế pháp luật, đóng vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể, nhất là trong việc tự quản ở cộng đồng tộc người.

Có thể đến tục đánh dấu gia cầm của dân tộc Thái. Do tập quán quảng canh, thả rông gia cầm, cộng đồng dân tộc Thái có ước lệ đánh dấu gia cầm từ khi mới nở bằng cách cắt một móng chân (các hộ gia đình trong phạm vi diện tích mà gia cầm có thể kiếm ăn tự thống nhất hộ nào cắt móng 1 hoặc móng 2 hoặc móng 3…) để không bắt nhầm của nhau. Tục này đến nay vẫn được duy trì và thực hiện, trở thành nét văn hóa riêng có của người Thái.

Hay khi nói đến tục “bắt vợ” của người Mông, mặc dù hiện nay có dị bản, nhưng thực tế nó gắn với quá trình thiên di tìm vùng đất để định cư và có truyền thuyết về tục này. Rằng nam - nữ khi tìm hiểu nhau đã chín muồi, muốn thành vợ thành chồng, hai bên gia đình chọn giờ tốt, ngày tốt, tháng tốt, tự thống nhất với nhau để “bắt” về và đây chỉ là thủ tục chứ không hề có chuyện bắt cóc hay ép buộc. Thậm chí nếu trên đường “bắt vợ” về mà nghe thấy tiếng ngựa hí, báo kêu, hổ gầm… cho đó là điểm báo gặp nguy hiểm, phải đưa cô gái trở lại nhà và đến “bắt” vào một ngày khác. Sau khi thủ tục “bắt vợ” đã thuận buồm xuôi gió, hai bên gia đình mới tổ chức lễ thành hôn cho đôi nam nữ…

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến tiếp xúc cử tri huyện Mường Nhé, tháng 7.2017 - Ảnh: Nhật Linh
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến tiếp xúc cử tri huyện Mường Nhé, tháng 7.2017
Ảnh: Nhật Linh

Loại bỏ dần hủ tục khỏi đời sống

Trước năm 1954, cộng đồng một số dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên tồn tại nhiều hủ tục, như ốm đau thì cúng ma, người chết để lâu ngày mới đem chôn, kết hôn cận huyết, tảo hôn, đàn ông được lấy nhiều vợ, vợ chết thì lấy chị/em của vợ còn độc thân, chồng chết thì lấy anh/em của chồng còn độc thân, phụ nữ bị chết trong quá trình chửa đẻ không được chôn ở nghĩa địa chung… Tuy nhiên, từ sau năm 1954, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, dành nhiều quan tâm tới các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Điện Biên nói riêng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đặc biệt là công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được các cấp ủy và chính quyền quan tâm. Đây là tiền đề để vận động, thuyết phục đồng bào nhận thức đầy đủ trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, có ý thức thay đổi để ngày càng tiến bộ, xóa bỏ dần các tập quán lạc hậu trong tổ chức sản xuất và đời sống sinh hoạt…

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội. Những hủ tục dần bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội bằng việc quy định đó là các hành vi cấm trong hệ thống pháp luật; đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật tại Điện Biên hiện nay cơ bản thuận lợi, các thôn bản trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng và ban hành các quy ước, hương ước của thôn bản, người dân đã có kiến thức cơ bản về pháp luật và tự giác thực hiện, những hủ tục đã không còn phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn một số hủ tục diễn ra rải rác ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó phổ biến là tình trạng kết hôn cận huyết, khi ốm thì cúng ma, người chết để lâu ngày mới đem chôn…

Có thể khẳng định rằng, vai trò của luật tục đối với từng cộng đồng dân tộc dù lớn đến đâu cũng không thể vượt qua vai trò chủ đạo của pháp luật. Vì thế, kết hợp hài hòa pháp luật với luật tục trong quản lý xã hội là cần thiết. Thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến tham gia xây dựng luật theo hướng những hủ tục là hành vi bị hạn chế hoặc nghiêm cấm trong quy định của pháp luật; đối với những tập tục tốt đẹp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thì nên giữ gìn và phát huy. Đồng thời tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, xây dựng ý thức pháp chế xã hội chủ nghĩa.