Luật tục trong xây dựng chính sách, pháp luật

Nguồn bổ sung cho pháp luật

- Thứ Năm, 14/07/2022, 06:07 - Chia sẻ

Với lịch sử hàng nghìn năm, cùng nhiều sắc thái dân tộc và vùng miền khác nhau, ở Việt Nam, các luật tục, tập quán được hình thành, phát triển từ rất sớm và đa dạng. Hiện nay, một số luật tục, tập quán được Nhà nước xác định là nguồn bổ sung của pháp luật.

Áp dụng tập quán trong pháp luật dân sự

Theo quan điểm nhân học, luật tục là tập hợp các tập quán và hệ thống giá trị (chuẩn mực xã hội) được một cộng đồng nhất định thừa nhận có hiệu lực trong việc điều chỉnh hành vi của các thành viên cộng đồng. Như vậy, luật tục như là hình thức phát triển cao của phong tục, tục lệ và là hình thức tiền luật pháp. 

Theo các chuyên gia, luật tục, tập quán tác động đến quá trình hình thành các quy định của pháp luật. Nó được coi là một nguồn luật quan trọng đối với một số hình thức nhà nước ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhiều luật tục, tập quán của cộng đồng đã được nâng lên trở thành pháp luật phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhà nước và Nhân dân.

Bên cạnh đó, ở nước ta tồn tại sự chênh lệch tương đối lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng, miền. Trong nhiều trường hợp, khi xây dựng và ban hành quy định pháp luật, các nhà làm luật cũng không thể dự liệu hết các tình huống pháp lý để điều chỉnh chính xác với tất cả đặc thù, phù hợp với vùng hay địa bàn đặc biệt. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán. 

Chẳng hạn về vấn đề bồi thường thiệt hại đã được nêu rõ trong luật tục của một số dân tộc ít người. Luật tục của người M'nông quy định hành vi của người đốt rẫy, để cháy sang rẫy của người khác là có lỗi vô ý, phải bồi thường. Cụ thể, “rẫy cháy không sạch phải dọn; chòi bị cháy phải đền; không được đòi quá đáng; không được bắt đền to”; hoặc “nuôi lợn cố tình thả rông; nuôi trâu cố tình thả rông; nuôi voi cố tình thả hoang, chúng ăn rẫy phải chịu, phá chòi phải đền. Lợn, trâu, voi làm sai, chủ phải đền”. 

Hay theo tập quán của người Mường (Hòa Bình), khi mượn chiêng, cả bên cho mượn và bên mượn phải mang chiêng ra trước cửa hoặc sân của chủ cho mượn, chủ của chiêng gõ chiêng một hồi ba tiếng hoặc ba hồi chín tiếng và tiếng chiêng ngân lên ở tần số cao nhất. Nếu các bên hoặc một bên sau khi nghe xong hồi chiêng mà không cảm thấy chiêng bị rè do bị vỡ, bị nứt thì việc chuyển giao chiêng bình thường. Khi bên mượn trả lại chiêng cũng phải làm thủ tục tương tự. Nếu tiếng chiêng rè do bị nứt vỡ, bên mượn làm hư hỏng sẽ có trách nhiệm phải bồi thường...

Việc áp dụng các tập quán của cộng đồng, cả về nội dung và hình thức, mà không trái với lợi ích chung và các quy định pháp luật khác của Nhà nước, góp phần giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả, nhanh chóng và kịp thời, giữ gìn đoàn kết và ổn định trong đời sống cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Cũng nhờ đó, người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo hay các địa bàn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội sẽ có khả năng tiếp cận công lý và được bảo vệ quyền tốt hơn. 

Tập quán được xác định là một nguồn bổ sung của pháp luật trong một số trường hợp - Nguồn: baogialai.com.vn 
Tập quán được xác định là một nguồn bổ sung của pháp luật trong một số trường hợp
Nguồn: baogialai.com.vn 

Tôn trọng, bảo vệ và phát huy tập quán tốt đẹp

Điều 5, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc áp dụng tập quán: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.

Trong khi đó, Điều 45, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. “Việc áp dụng tập quán được thực hiện như sau: Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự. Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự”.

Tuy nhiên, tập quán là những quy ước của mỗi cộng đồng dân cư nên mang tính cục bộ, địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có những phong tục, tập quán khác nhau. Trong một số trường hợp, áp dụng tập quán tạo tâm lý, thói quen sống theo tập quán của vùng, miền nên coi thường pháp luật ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật, tăng cường pháp chế. Mặt khác, có những tập quán phù hợp với pháp luật, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc nhưng cũng có những tập quán trở thành hủ tục, trái pháp luật. Bởi vậy, tập quán được áp dụng phải đang được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong cộng đồng dân cư, lĩnh vực đời sống nhất định; chỉ áp dụng tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Nhà nước ghi nhận, củng cố và bảo vệ tập quán tốt đẹp dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Ở khía cạnh khác, Nhà nước thừa nhận các tập quán và nâng lên thành các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung là quy phạm pháp luật. Điều này giúp cho tập quán được tôn trọng, bảo vệ và phát huy tác dụng trong cuộc sống, góp phần giữ gìn và phát huy những tập quán truyền thống tốt đẹp, phù hợp. Cùng với việc ghi nhận, củng cố, bảo vệ và giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc hạn chế, loại trừ những tập quán không phù hợp với đời sống cộng đồng và pháp luật.

Ngọc Phương