“Pháp luật” của cộng đồng

- Thứ Năm, 14/07/2022, 06:05 - Chia sẻ

Đến nay, cùng với pháp luật của Nhà nước, luật tục vẫn tồn tại và có vị trí quan trọng trong điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Luật tục là những quy tắc ứng xử mang tính chất bắt buộc do cộng đồng thôn bản xây dựng nên và được truyền từ đời này qua đời khác. Luật tục khác với phong tục, tập quán thông thường là có tính bắt buộc thực hiện. Vì thế, nó được coi là pháp luật của cộng đồng làng xã, thôn bản hoặc của cả một cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bằng nhiều cách thức như giáo dục, răn đe, xử phạt… luật tục tác động đến nhận thức và hành vi của các thành viên trong cộng đồng, tạo nên một trật tự cần thiết cho các hoạt động chung như tổ chức sản xuất, bảo vệ buôn làng, bảo vệ lợi ích từng cá nhân, từng dòng họ.

Luật tục, khi có nội dung phù hợp với tiến bộ xã hội, tạo được công bằng, công lý và trật tự xã hội, thì thường được Nhà nước thừa nhận và trở thành pháp luật tập quán, còn nếu cổ hủ, lạc hậu hoặc mang tính chất mê tín, dị đoan thì sẽ bị Nhà nước cấm.

Một điều dễ nhận biết là luật tục vừa mang một số yếu tố của luật pháp, như quy định các hành vi phạm tội, các tội phạm, bằng chứng, việc xét xử và hình phạt... lại vừa mang tính chất của lệ tục, phong tục, như các quy ước, lời răn dạy, khuyên răn mang tính đạo đức, hướng dẫn hành vi cá nhân, tạo dư luận xã hội để điều chỉnh các hành vi ấy.

Tùy theo mỗi dân tộc, nội dung luật tục đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau, như quan hệ xã hội, kinh tế, phong tục - nghi lễ, an ninh xã hội, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên... Đó còn là các quy định về quan hệ cộng đồng, quan hệ giữa người đứng đầu buôn làng, thôn bản với dân, quan hệ giữa cha mẹ với con cái, về sở hữu tài sản, sở hữu đất đai, nương rẫy, nguồn nước, giữ gìn trật tự công cộng, giữ bình yên, hòa thuận trong buôn làng, thôn bản…

Luật tục có thể tồn tại bằng hình thức truyền miệng hoặc được ghi thành văn bản. Văn bản luật tục có thể tồn tại dưới hình thức đơn giản như hương ước nhưng cũng có thể được xây dựng dưới dạng bộ luật như Bộ luật tục của dân tộc Êđê có 11 chương với 236 điều.

Có thể phân chia luật tục của các dân tộc ở Việt Nam theo các dạng tồn tại khác nhau. Luật tục được cố định dưới dạng lời nói vần (văn vần) được truyền miệng từ đời này sang đời khác, như luật tục của các dân tộc Êđê, M’nông, Mạ, Stiêng, Bana, Giarai… Luật tục đã được cố định và ghi chép bằng văn tự, như hương ước của người Việt, Hịt khỏng bản mường của người Thái, lệ tục của người Chăm… Luật tục hay lệ tục đã tương đối định hình, nhưng chưa cố định thành lời văn vần hay thành văn bản, mà vẫn chỉ là sự ghi nhớ và thực thi của cộng đồng. Loại này phổ biến ở hầu hết tộc người, rất khó phân biệt với phong tục và lệ tục cổ truyền.

Theo tác giả Phan Hồng Thủy (tạp chí Dân tộc), nếu pháp luật là “ý chí của giai cấp thống trị” được đề lên thành luật, thì luật tục thể hiện ý chí của cộng đồng mà mỗi thành viên đều có nghĩa vụ tuân theo. Luật tục thể hiện bao quát, phong phú các mối quan hệ xã hội truyền thống. Không thể phủ nhận rằng, hiện nay luật tục vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, không những ở Việt Nam mà ở cả những nước phát triển.

Tuấn Phương