Kết hợp hài hòa

- Thứ Năm, 14/07/2022, 05:30 - Chia sẻ

Kết hợp hài hòa luật pháp với luật tục không những góp phần xây dựng và triển khai thực hiện chính sách pháp luật về văn hóa hiệu quả mà còn phát huy những giá trị tốt đẹp, tích cực trong luật tục, từng bước loại trừ những tập tục lạc hậu, phản tiến bộ.

PGS.TS. Đinh Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành các khoa học xã hội: 

Cần phải hiểu đúng một bên là thành tố văn hóa, một bên là dùng khung luật pháp để soi chiếu, nhận diện đâu là phong tục, đâu là biến tướng mà người ta thông qua đó để trục lợi. Chúng ta hướng đến quản lý về mặt hành chính nhà nước sao cho phù hợp, phong tục cần gìn giữ, phát huy thì phong tục ấy phải đẹp, đúng; còn nếu được tô vẽ như thế nào vẫn là biến tướng, thì cần có công cụ hành chính hoặc luật pháp để tuyên truyền, ngăn chặn.

Muốn bảo tồn phong tục đẹp, mang tính chất tượng trưng, có thể đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Tuy nhiên, để làm điều ấy, cần có sự tham gia của người dân và nhà nghiên cứu.

PGS.TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: 

Mỗi dân tộc có những tập tục khác nhau. Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng, chắt lọc, để thấy bảo tồn cái gì, bài trừ cái gì... Trong công tác quản lý nhà nước, không những hoạch định, xây dựng và triển khai chính sách đúng về chủ trương, mà còn phải hợp lòng dân, phù hợp với tập tục văn hóa của cộng đồng.

Trong một số trường hợp, chúng ta hoàn toàn có cơ chế pháp lý để quản trị, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số phải mềm dẻo hơn. Không nên áp dụng biện pháp mạnh quá để chấm dứt tình trạng tiêu cực nào đó trong mắt chúng ta, nhưng đôi khi lại vô tình gây ra những xáo trộn khác thậm chí nguy hại hơn vì động chạm tới tự tôn dân tộc. Cần tránh trường hợp bị lợi dụng khi chúng ta hiểu sai, áp đặt cách nhìn từ trên xuống, hoặc nghiên cứu theo kiểu tập hợp tài liệu báo cáo...

PGS.TS. Nguyễn Văn Chính, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Nghiên cứu về các tộc người đã được thực hiện cách đây hàng chục năm, đến nay không có gì mới, vẫn từng ấy tộc người, vẫn đồng phục hóa văn hóa dân tộc thiểu số. Trên thực tế, văn hóa các tộc người thiểu số, phân loại tộc người thiểu số đã thay đổi nhiều. Ban Bí thư cũng ra Chỉ thị về việc xác định lại tộc người, vì hơn 30 tộc người đề xuất xác định lại. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng ta còn yếu. Những năm 1960 - 1970, để sản xuất ra tri thức về tộc người, chúng ta thiếu rất nhiều thông tin, điền dã khó khăn, và có thể nói chúng ta sản xuất ra danh mục về tộc người chưa đúng. Do đó, thời gian tới, nghiên cứu về các tộc người là vấn đề lớn để có chính sách đúng.

Thảo Nguyên