Trong tổng doanh số bán hàng trên, có 14.036 xe du lịch, giảm 49%; 3.174 xe thương mại, giảm 59%; và 104 xe chuyên dụng, giảm 62% so với tháng trước.
Xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 xe, giảm 54% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 xe, giảm 48% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 1 vừa qua giảm 44%. Trong đó, xe du lịch giảm 44%; xe thương mại giảm 39% và xe chuyên dụng giảm 64%.
Cũng xét theo nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 56% thì xe nhập khẩu giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như Audi, Jaguar, Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Chỉ qua số liệu công bố chính thức của TC Group (Tập đoàn Thành Công) với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 1 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 3.496 xe. Bên cạnh đó, VinFast cũng bàn giao 358 xe ô tô điện VF 8 và VF e34 trong tháng đầu năm. Tính chung cả ba đơn vị này trong tháng 1 vừa qua tiêu thụ tổng cộng 21.168 xe ô tô các loại.
Dựa trên số liệu công bố chính thức từ VAMA, TC Group và VinFast, TC Group bất ngờ vươn lên vị trí dẫn đầu thương hiệu ô tô bán nhiều nhất tại Việt Nam khi tiêu thụ được 3.496 xe. Các vị trí tiếp theo là Toyota với doanh số 3.023 xe, Ford 2.360 xe, KIA 2.075 xe, Mazda 1.679 xe, Honda 1.494 xe, Mitsubishi 1.145 xe…
Đại diện nhiều hãng ô tô cũng cho rằng, do tháng 1 Dương lịch vừa qua trùng với Tết Nguyên đán nên nhiều người hạn chế mua sắm, đặc biệt là những ngày sát Tết và sau Tết dẫn đến doanh số sụt giảm ở hầu hết các phân khúc xe. Đây cũng là quy luật chung của thị trường vào tháng Tết hàng năm và sẽ tăng trưởng trở lại ở những tháng kinh doanh tiếp theo.