Tham dự Đại hội đồng IPU - 149 có: 49 Chủ tịch Quốc hội, 36 Phó Chủ tịch Quốc hội, gần 1.500 đại biểu đại diện cho 129 Nghị viện thành viên, thành viên liên kết IPU, các tổ chức quốc tế và khách mời.
Phát biểu dẫn đề tại Phiên thảo luận toàn thể, Chủ tịch IPU Tulia Ackson nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới; đồng thời cũng cảnh báo khi công nghệ bị lạm dụng có thể gây ra những rủi ro lớn cho xã hội và nhân loại.
Chủ tịch IPU kêu gọi các nghị viện tập trung vào 3 lĩnh vực chính: lập pháp, giám sát và giáo dục công chúng, đảm bảo công nghệ phục vụ lợi ích chung và thúc đẩy sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và thế hệ trẻ; thúc giục các nghị viện tìm kiếm giải pháp cụ thể để xây dựng tương lai bền vững.
Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ trong việc giải quyết các khủng hoảng toàn cầu hiện nay; đặc biệt hoan nghênh sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và IPU trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu, đồng thời kêu gọi các đại biểu nghị viện tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao nghị viện nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững cho toàn thế giới.
Tại Phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Khai thác khoa học, công nghệ và đổi mới vì một thế giới hòa bình và bền vững, Đại hội đồng đã nghe 176 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến cho rằng, thế giới đang ở thời điểm các tiến bộ khoa học công nghệ chưa từng có, đồng thời cũng tiềm ẩn các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh thế giới; thừa nhận mối liên hệ giữa khoa học, công nghệ và đổi mới với hòa bình và sự phát triển.
Các đại biểu cũng chỉ rõ, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ một cách có đạo đức và toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng các xã hội tự cường và tăng cường tính giải trình. Trái lại, việc sử dụng sai mục đích hoặc tiếp cận công nghệ không công bằng có thể làm tăng các bất bình đẳng và xung đột hiện có, dẫn đến các nguy cơ mới.
Các phát biểu đề cao vai trò và vị trí đặc biệt của các nghị sĩ trong việc phát triển và thực hiện các khuôn khổ đạo đức cho việc quản trị khoa học và công nghệ, đảm bảo rằng các tiến bộ khoa học, công nghệ phù hợp với các quyền, giá trị xã hội và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; kêu gọi các nghị viện cần giải quyết các thách thức phức tạp, tăng cường giám sát chiến lược để dự báo các xu thế tương lai, các cơ hội và nguy cơ; cần thiết lập cơ chế giải trình và ngăn chặn việc sử dụng công nghệ dẫn đến vi phạm nhân quyền, gia tăng bất bình đẳng, làm suy giảm vai trò của luật pháp và các tiến trình dân chủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế trong xã hội, những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong thời đại công nghệ số cũng như khả năng họ có thể đóng góp cho việc hình thành tương lai của khoa học, công nghệ, đổi mới.
Các đại biểu cũng thống nhất rằng, các thách thức công nghệ hiện nay mang tính toàn cầu và đòi hỏi cách tiếp cận chung toàn cầu. Các quốc gia cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản trị khoa học, công nghệ, góp phần giảm bớt khoảng cách giữa các quốc gia trong lĩnh vực này, xây dựng sự đoàn kết, củng cố an ninh và sự tin cậy lẫn nhau, giảm bớt căng thẳng và tìm các giải pháp bền vững lâu dài để thiết lập một môi trường an ninh và thịnh vượng chung trong kỷ nguyên số.
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể, Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng, khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn và đang trở nên ngày càng khan hiếm thì khoa học, công nghệ và đổi mới là nguồn tài nguyên vô tận, với không gian phát triển vô hạn để con người có thể khai thác, phục vụ nhu cầu phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... thì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của nhân loại.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và công nghệ số trong những năm qua.
Các chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề môi trường, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quốc hội Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo đảm thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của người dân và vì thế hệ tương lai; thành tựu khoa học công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc.
Đoàn Việt Nam đề nghị Nghị viện các nước và Liên minh Nghị viện thế giới cùng phối hợp đề cao vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững; khuyến khích các chính sách nhằm đảm bảo mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế, đều được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học và công nghệ.
Cùng với đó là, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, với sự ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển; các tiến bộ khoa học, công nghệ phải được ứng dụng đi đôi với việc tôn trọng các giá trị văn hóa, quyền con người và sự đa dạng sinh học.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án khoa học công nghệ, bảo đảm tính bao trùm và bền vững, nâng cao năng lực ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, nhằm bảo đảm mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, đều được hưởng lợi từ sự phát triển này.
Ngoài phiên họp toàn thể, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự và đóng góp nội dung tại các Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế, Phát triển bền vững, Dân chủ Nhân quyền, Các vấn đề Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Nữ nghị sĩ, Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP).
Đại hội đồng IPU 149 tại Geneva đã thành công tốt đẹp. Kỳ Đại hội đồng tiếp theo sẽ do nước chủ nhà Uzbekistan đăng cai tổ chức vào tháng 4.2025.