Số lượng phương tiện giao thông tăng khoảng 10 - 15%/năm
Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm đã được cải thiện đáng kể; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh. Đặc biệt là số xe vi phạm quá tải trên 100% giảm mạnh, tình trạng xe “cơi nới” thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc; học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện....
Nhờ đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông đường bộ phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2009 - 2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ rõ, tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, từ năm 2009 đến hết 2023, cả nước xảy ra hơn 298 nghìn vụ, làm chết trên 141 nghìn người, bị thương trên 249 nghìn người, số vụ tai nạn và số người chết, bị thương vẫn ở mức cao.
Đáng lưu ý, cùng với sự phát triển của nền kinh tế là sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân. Bộ trưởng cho biết, từ năm 2009 đến nay, số phương tiện giao thông tăng nhanh chủ yếu là phương tiện cá nhân, trung bình mỗi năm sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông khoảng 10 - 15%, tăng nhanh tại các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tính đến tháng 12.2023 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên trên 6,3 triệu ô tô, trên 74 triệu mô tô. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa bảo đảm, các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu đã gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Chỉ hạn chế phương tiện cá nhân khi giao thông công cộng đáp ứng 50 - 70% nhu cầu
Chỉ ra một trong những mối quan tâm lớn của cử tri hiện nay, đó là có hạn chế phương tiện cá nhân hay không, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nêu rõ, phương tiện giao thông như ô tô, xe máy phát triển rất mạnh, trong khi hạ tầng giao thông đường bộ không đáp ứng được yêu cầu. Tại các các nước phát triển, phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện trên cao, tàu điện ngầm...) rất được chú trọng, do đó người dân có nhiều sự lựa chọn, rất ít khi lựa chọn phương tiện giao thông cá nhân.
Do vậy, Phó trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, nếu muốn giảm phương tiện giao thông cá nhân cần có xe buýt, xe điện trên cao, tàu điện ngầm và chú trọng cả việc phát triển giao thông công cộng liên thành phố, liên tỉnh. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có quy hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng thẳng thắn, khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đặt vấn đề, đã đến thời điểm cần có giải pháp hạn chế sự gia tăng của phương tiện ô tô cá nhân hay chưa? Bởi lẽ, nếu có xây thêm đường xá cũng khó đáp ứng được hết nhu cầu, nhất là với sự gia tăng ô tô cá nhân như hiện nay, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn trên các quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí là đường nội đô, nội thị, đặc biệt trong các dịp lễ tết.
Giải trình các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là có hạn chế phương tiện giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hay không? Thực tế, trong Luật Thủ đô và Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã cho phép hạn chế phương tiện giao thông trong thành phố. Như vậy, về mặt pháp lý là đã có.
Song về mặt thực tiễn, Bộ trưởng khẳng định, “điều kiện cần và đủ vẫn là phát triển phương tiện giao thông công cộng. Chỉ khi nào phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 50 - 70% nhu cầu, thì mới hạn chế phương tiện cá nhân vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nếu hạn chế mà không có phương tiện công cộng thì chưa thể làm được”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cấp thiết phải phát triển giao thông công cộng, đặc biệt chú trọng là các tuyến metro và đường sắt đô thị, nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt, nếu làm được người dân cũng tự nguyện hạn chế phương tiện cá nhân.