Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Điều cốt yếu đầu tiên là phải làm rõ khái niệm, hành vi mua bán người
Điều cốt yếu đầu tiên là phải làm rõ khái niệm, hành vi mua bán người. Theo tôi, cả 2 phương án này cũng phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm, chính xác thêm, bởi vì đã nói đến khái niệm mua, bán người thì không thể nói là mua bán người hợp pháp hay không hợp pháp; đã nói mua bán người là trái pháp luật. Phải bắt đầu đi từ nhận thức như vậy, còn việc chuyển giao hay tiếp nhận là giải nghĩa việc mua bán. Cho nên ở đây, cốt lõi vấn đề, trọng tâm của nó là hành vi mua bán, mà đã mua bán người, đây là một hành vi trái pháp luật, vô nhân đạo, một tội ác, đây là một hành vi lên án. Phải nhận thức như thế.
Vấn đề thứ hai còn có ý kiến khác nhau là việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước. Việc người đầu tiên khi rơi vào hoàn cảnh đó là nên đến cơ sở gần nhất để trình báo, nhưng không nhất thiết phải là Ủy ban nhân dân. Các nạn nhân có thể đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị bộ đội biên phòng hay một nơi nào đó trình báo, sau đó chuyển đến Ủy ban nhân dân để Ủy ban nhân dân làm các thủ tục. Bởi vì vấn đề này không phải diễn ra hàng ngày, không phải là loại hành vi phổ biến lúc nào cũng có để gây khó khăn, phiền hà cho nạn nhân...
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Mắc nhất vẫn là vấn đề khái niệm
Tôi thấy mắc nhất vẫn là vấn đề khái niệm. Hai phương án nêu ở đây phương án nào cũng có vấn đề. Phương án 1 có vẻ khả dĩ hơn nhưng nhiều chỗ tôi chưa hiểu hết. Ví dụ, theo phương án 1, Khoản 1 là chuyển giao có nhận, hứa hẹn nhận tiền, tài sản trái với quy định của pháp luật, trái với quy định pháp luật là pháp luật nào, pháp luật về lao động, pháp luật về cái gì đã liệt kê ra hết chưa? Nếu không làm rõ thì có thể dẫn đến việc một số hành vi chưa đến mức độ mua bán nhưng vẫn bị quy kết là mua bán hoặc phải bỏ cụm từ "trái với quy định pháp luật". Nếu pháp luật nào có quy định thì xử lý theo pháp luật đó. Ở Khoản 2 cũng có một cụm từ "trái với quy định của pháp luật", tôi đề nghị nếu chọn phương án 1 thì nên bỏ "trái với quy định của pháp luật" còn pháp luật nào quy định thì xử theo pháp luật đó. Có thể nó không phải là hành vi mua bán, nó có thể là một hành vi vi phạm pháp luật về lao động, có thể là một hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em chứ chưa chắc phải là hành vi mua bán….
Còn một điểm nữa tôi thấy hoàn toàn không hợp lý là "đối với nạn nhân cần được chăm sóc sức khỏe tâm lý, có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân trẻ em không nơi nương tựa thì được làm thủ tục để chuyển giao cho các cơ sở". Quy định như thế là vô lý, trẻ em không nơi nương tựa thì đúng rồi, hoặc người già không nơi nương tựa thì mới vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, chứ thanh niên lao động, sức khỏe thế thì phải về địa phương làm việc chứ. Nếu có nguyện vọng ở lại cơ sở bảo trợ xã hội thì sao được?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Nên làm rõ hành vi mua bán người và các hành vi liên quan
Nên làm rõ hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan đến mua bán người và chi tiết tối đa. Nếu chỉ nêu là "chuyển giao người, có nhận hoặc hứa hẹn sẽ nhận tiền, tài sản, lợi ích khác trái với quy định của pháp luật" thì quy định của pháp luật là quy định nào phải làm rõ.
Hiện nay, trong cơ chế thị trường chuyện tuyển lao động, chuyển giao lao động từ tổ chức này sang tổ chức kinh tế khác cũng là chuyện bình thường. Vậy lợi dụng hành vi coi như mua bán người ở mức độ nào, coi như mua bán người thì cần phải làm rõ, tránh việc quy định chung chung mà quy định chung chung sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau. Chính vì vậy, tôi đề nghị cụ thể hóa những hành vi nào là mua bán người.
Về chế độ trợ giúp pháp lý là hỗ trợ học văn hóa, hỗ trợ học nghề, không biết có nên không. Hỗ trợ học văn hóa thì học văn hóa đến mức độ nào, một anh mù chữ học để biết chữ hay để có một trình độ văn hóa nhất định? Việc này rất khó, kinh phí ở đâu để hỗ trợ việc này, trong hoạt động giáo dục có nhiều hệ thống như giáo dục cho công dân, giáo dục cho những người chưa biết chữ. Có cần thiết phải hỗ trợ về văn hóa không. Hay như hỗ trợ học nghề cũng vậy, nếu bây giờ ta tạo điều kiện học nghề cho bất cứ một công dân nào không có nghề cũng đều quý nhưng trong thực tiễn, nếu làm điều đó lại không hợp lý, mặc dù biết những người bị mua bán người có thể không có nghề nhưng tính khả thi của nó không cao, đó là chưa tính đến gánh nặng về mặt ngân sách. Nếu việc học văn hóa và học nghề này được các tổ chức tài trợ thì tốt nhưng tôi tin rằng sự tài trợ cũng có mức độ, giới hạn, cuối cùng vẫn là ngân sách…
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Quy định thế nào là hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan chưa minh bạch
Trình tự thủ tục tiếp nhận nạn nhân theo thủ tục nào và lấy đâu làm chuẩn ? Từ Ủy ban nhân dân cấp xã hay nơi có nguồn lực như Phòng Lao động, thương binh và xã hội. Đây là hai vấn đề rất lớn cần được rà soát lại nếu không thì chúng ta đưa ra một luật rất “đẹp”, có nhiều tư tưởng rất nhân văn nhưng lúc cần làm thì không làm được.
Một ý nữa là quan hệ giữa luật này với công ước và các bộ luật hình sự liên quan đến hành vi mua bán người. Đề nghị rà soát còn những nội dung gì hiện nay Bộ luật Hình sự chưa đề cập. Trong Bộ luật Hình sự hiện nay cũng có một số Điều liên quan đến hành vi mua bán người. Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu cả những luật khác nữa thuộc lĩnh vực xã hội như đưa người đi lao động ở nước ngoài để có thể tính được hết. Nếu còn thiếu hình thức nào thì có thể kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điều luật về tội phạm trong Bộ luật Hình sự được không. Hơn nữa, quy định thế nào là hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan đến mua bán người chưa minh bạch. Mua bán người là khác, còn liên quan lại khác. Nếu là tội phạm mua bán người và hành vi có liên quan thì chỉ là đồng phạm thôi. Vậy hành vi nào là hành vi mua bán người? hành vi nào là hành vi có liên quan đến mua bán người ?
Một nội dung nữa là phòng ngừa mua bán người ở Chương II. Dự án luật chia ra làm 2 nhóm, một nhóm là biện pháp phòng ngừa cụ thể như thông tin, giáo dục truyền thông, tư vấn, quản lý an ninh trật tự, tức là đưa ra nhóm phòng ngừa theo lĩnh vực cụ thể. Nhóm thứ hai quy định về việc thực hiện phòng ngừa đối với một số cơ quan, tổ chức. Nhưng sau đó lại có một chương về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, Chương VI. Vậy liệu có thể kết hợp được không ?