ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội): Khách du lịch quan ngại về vấn đề visa
Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, có đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế vào Việt Nam vẫn còn hạn chế do những yếu tố “kìm chân”, một trong đó là chế độ thị thực và thời hạn thị thực. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước đầu tiên mở cửa trở lại, khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, mở hoàn toàn các hoạt động đón khách quốc tế. Tuy vậy, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam dù tăng theo từng tháng nhưng không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành Du lịch.
Qua các đợt khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, có thể nhận thấy, chính sách thị thực của Việt Nam là điểm nghẽn đầu tiên khi du khách tiếp cận điểm đến. Khách du lịch còn quan ngại về vấn đề visa, thủ tục vẫn phải chờ đợi, nhiều trường hợp kết quả chậm hơn thời hạn. Đã có nhiều ý kiến kiến nghị nâng thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Việc thay đổi chính sách thị thực sẽ góp phần mở rộng thị trường khách du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ nhất, cần có chính sách miễn visa nhiều hơn cho các quốc gia khác nhau. Tuy Việt Nam đã tiến hành mở rộng thị trường miễn visa nhưng so với một số khu vực trên thế giới thì chính sách này chưa thật sự thông thoáng để cạnh tranh.
Thứ hai, cần nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Thời gian 15 ngày không đủ để du khách khám phá, trải nghiệm tại Việt Nam - đất nước với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng cùng nhiều nền văn hóa, sinh hoạt khác nhau. Thông qua chính sách nới lỏng visa, đồng thời tăng thời gian lưu trú của khách nước ngoài; ngành du lịch Việt Nam hứa hẹn sẽ cất cánh, phát triển, đạt được chỉ tiêu mong muốn là 8 triệu khách trong năm nay. Kết quả này sẽ có tác động tốt, lan tỏa vai trò, giá trị của du lịch đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước ta.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Tối ưu hóa thị thực điện tử
Trong thời đại nói nhiều đến kinh tế số, xã hội số, công dân số, văn hóa số thì rõ ràng, yếu tố số cần phải trở thành một điểm nhấn, một thời cơ cho du lịch Việt Nam cất cánh.
Ngành du lịch Việt Nam cần áp dụng nhiều hơn các đặc điểm về kỹ thuật số, từ đó tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch nói chung có chính sách về visa. Khi thị thực điện tử đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước có thời gian thực hiện các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi lĩnh vực nên thị thực điện tử sẽ tạo một tác động tích cực lớn, vừa đơn giản, thuận tiện cho người dân, vừa nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, cần lường trước một số vấn đề nảy sinh như bảo mật thông tin; bị đánh cắp thông tin, tránh việc trục trặc về hệ thống và bảo mật. Điều này đòi hỏi Bộ Công an và Cục Công nghệ thông tin cần có sự phối hợp chặt chẽ để phòng ngừa, hạn chế mức độ thấp nhất những trục trặc có thể xảy ra.