Một trong những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để chất vấn đối với tư lệnh ngành Công an là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
“Tín dụng đen”, cho vay nặng lãi là một trong những vấn đề gây nhức nhối xã hội trong suốt thời gian qua. Dù đã được các cơ quan chức năng vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xử lý các vi phạm. Qua đó đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1.038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng. Do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
“Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn” - báo cáo của Bộ Công an thẳng thắn chỉ rõ.
Nhận định về đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Bộ Công an cho rằng, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Lý giải về khó khăn vướng mắc này, Bộ Công an cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế. Các đối tượng thông qua mạng xã hội (zalo, facebook), các app, website để cho nhiều bị hại vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ gây bức xúc nhưng việc tiếp nhận, xác minh, xử lý các tin báo tố giác tội phạm gặp khó khăn do các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, sim điện thoại rác, sử dụng công nghệ cao để thực hiện chế tài xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quá nhẹ (hình phạt cao nhất là 3 năm tù) chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, còn một bộ phận người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, chưa nâng cao ý thức cảnh giác và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định, thỏa thuận về vay mượn dân sự dẫn đến việc các đối tượng thực hiện các hành vi đòi nợ, siết nợ trái pháp luật.
Thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng đen hiện nay phạm tội rất tinh vi, thường núp dưới vỏ bọc là doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ tài chính. Thủ đoạn chính là cho vay không thế chấp, cho vay dưới hình thức huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh. Cách thức là dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp hoặc qua ứng dụng, mạng xã hội với lãi suất cao bất thường. Có trường hợp lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1.000%/tháng.
Cho vay “tín dụng đen” đi liền với tài sản thế chấp là đất đai, nhà cửa, ruộng vườn; chỉ vài ngày nếu người dân không trả được tiền có thể bị mất trắng. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng ví tội phạm “tín dụng đen” như “cướp ngày". Để thu được tiền, các đối tượng cho vay tín dụng đen không từ một thủ đoạn nào như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM. Không đòi được của người vay, các đối tượng đã tìm đến người thân của con nợ để đe dọa, uy hiếp.
Trên diễn đàn Quốc hội ở nhiều kỳ họp Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng tín dụng đen đã hoành hành ở từng ngóc ngách của bản làng, gây mất trật tự xã hội bởi tình trạng tự thỏa thuận, tự xử khi vay tín dụng đen.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, loại hình tín dụng đen kiểu mới đã biến những con nợ nhỏ thành những con nợ lớn, chất chồng những khoản nợ không thể trả nổi. Cũng theo đại biểu, sở dĩ tín dụng đen kiểu mới hoành hành thời gian qua là do các đối tượng đã có những thủ đoạn lách luật. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, một trong những yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi là phải vượt mức trần lãi suất pháp luật quy định. Tuy nhiên, vừa qua các đối tượng đã lách luật bằng cách để lãi suất luôn ở dưới mức trần pháp luật quy định, còn lại là dồn vào tiền phí và tiền phạt vi phạm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, pháp luật chỉ khống chế mức trần lãi suất, không khống chế mức trần đối với tiền phạt vi phạm. Mức tiền phạt vi phạm là do các bên tự thỏa thuận. Đây cũng là điểm khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen công nghệ.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng công an cần kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi này.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ, với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi để giúp cho những người dân có nhu cầu tiếp cận được với các khoản tín dụng. Xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, thậm chí làm ngơ cho các đối tượng hoành hành. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cử tri, Nhân dân rất chờ đợi. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận lại và đánh giá một cách khách quan về thực trạng “tín dụng đen”. Từ đó đưa ra các giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Không để cho tình trạng “cướp ngày” này mãi tái diễn.