Trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền số và công dân số trong thời gian qua, một trọng tâm của Báo cáo PAPI 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử.
Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI 2023 cho biết họ đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Đáng chú ý là tỷ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5 - 10% so với nữ giới, và người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10 - 20% so với người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.
Bên cạnh đó, kết quả PAPI cũng cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với 1/3 số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này. Cùng với đó, một nửa số người đã dùng dịch vụ công trực tuyến trên một trong hai kênh không thể thanh toán phí dịch vụ. Đồng thời, một nửa số người đã dùng cổng dịch vụ công phải trực tiếp đến bộ phận “một cửa” truyền thống để hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ.
Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng, bởi qua đó người dân có thể tránh được thủ tục hành chính rườm rà cũng như thúc đẩy công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng chính quyền điện tử đã giúp kiểm soát tham nhũng tốt hơn, nhất là các hành vi tham nhũng như vòi vĩnh trong cung ứng dịch vụ công gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Ở Việt Nam, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là một trong những mục tiêu chiến lược trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cho phép người dùng thực hiện từ khâu đăng ký đến khi nhận được kết quả cuối cùng qua cổng dịch vụ công trực tuyến mà không cần tiếp xúc với công chức hoặc đến cơ quan hành chính Nhà nước để hoàn thành toàn bộ quy trình) nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính giấy tờ nhanh chóng hơn, tiện dụng hơn cũng được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhất của Chính phủ điện tử.
Ưu tiên chiến lược của Chính phủ đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Mặc dù vậy, qua khảo sát có thể thấy tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa được như mong muốn. Điều này cũng hàm ý rằng cơ hội để mở rộng diện bao phủ dịch vụ và gia tăng lợi ích cho người dân trong thời gian tới rất lớn.
Từ những phát hiện của PAPI năm 2023 có thể thấy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải tiến Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để người dân tiếp cận và sử dụng dễ dàng hơn, tăng tính thân thiện với người dùng, đặc biệt là những nhóm dân cư có xu hướng bị bỏ ra ngoài lề của tiến trình điện tử hóa, số hóa dịch vụ công. Một biện pháp thiết thực là thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến để người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh (90,8% số người cho biết, họ có điện thoại thông minh theo kết quả khảo sát PAPI 2023). Bên cạnh đó, các cổng dịch vụ công phải bảo đảm quyền riêng tư của công dân.