“Nakba” năm 1948 - nỗi ám ảnh của người Palestine
Người Palestine từ lâu đã bị ám ảnh bởi cái mà họ gọi là "Nakba", tiếng Ảrập có nghĩa là “thảm họa”, ám chỉ cuộc di dời lớn nhất lịch sử khi 750.000 người trong số họ bị mất nhà cửa trong cuộc chiến tranh xảy ra sau khi Israel được thành lập vào năm 1948.
Hàng năm vào ngày 15.5, 12,4 triệu người Palestine trên khắp thế giới lại tưởng nhớ ngày Thảm họa như một ký ức đen tối và ảm ảnh nhất của dân tộc. Nhiều người đã bị đuổi đi và phải chạy trốn đến các quốc gia Ảrập lân cận, bao gồm cả Jordan, Syria và Lebanon, nơi nhiều người trong số họ và con cháu của họ vẫn sống trong các trại tị nạn.
Từ năm 1947 đến năm 1949, ít nhất 750.000 người Palestine trong tổng số 1,9 triệu người đã phải tị nạn bên ngoài biên giới nhà nước Do Thái. Các lực lượng theo chủ nghĩa Do Thái đã hiện diện ở hơn 78% diện tích lịch sử của Palestine. Trong giai đoạn đó, người Palestine mất khoảng 530 ngôi làng và thành phố, khoảng 15.000 người Palestine thiệt mạng.
Mặc dù ngày 15.5.1948 trở thành ngày chính thức kỷ niệm Nakba, nhưng quá trình di dời của người Palestine đã diễn ra sớm hơn nhiều. Trên thực tế, đến ngày 15.5, một nửa tổng số người tị nạn Palestine đã phải rời khỏi đất nước mình.
Trong một tuyên bố bất ngờ ngày 4.2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có kế hoạch tiếp quản Gaza và tiến hành tái thiết mảnh đất này, trong khi những người Palestine bị di dời do chiến tranh sẽ được định cư ở các quốc gia láng giềng. Tuyên bố này đã làm gia tăng nỗi lo sợ của người Palestine ở Gaza, nơi có dân số trước chiến tranh khoảng 2,3 triệu người, về việc bị đuổi khỏi dải bờ đất ven biển này, đồng thời gây lo ngại ở các quốc gia Ảrập vốn từ lâu đã lo ngại về tác động bất ổn của bất kỳ cuộc di cư nào như vậy.
85% dân số Gaza di cư trong cuộc chiến Israel-Hamas
Cuộc xung đột mới nhất, hiện đang tạm dừng trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn mong manh, đã chứng kiến cuộc ném bom và tấn công trên bộ chưa từng có của Israel vào Gaza, tàn phá gần như toàn bộ Gaza với nhiều tòa nhà và đường sá.
Hầu hết người dân Gaza đã phải di dời nhiều lần trong cuộc chiến tranh của Israel, được phát động sau khi nhóm chiến binh Hamas ở Palestine tiến hành cuộc tấn công vào Israel ngày 7.10.2023 khiến 1.200 người thiệt mạng, theo thống kê của Israel.
Trước khi phát động cuộc tấn công vào năm 2023, Israel đã yêu cầu người Palestine ở phía bắc Gaza di chuyển đến những nơi mà họ cho là khu vực an toàn ở phía nam. Khi cuộc tấn công mở rộng, Israel đã yêu cầu họ tiến xa hơn về phía nam tới Rafah, trên biên giới với Ai Cập.
Về sau trong cuộc chiến, trước khi phát động chiến dịch ở Rafah, họ đã chỉ thị cho người dân Palestine di chuyển đến một khu vực nhân đạo mới được chỉ định ở Al-Mawasi, một khu vực trải dài 12 km dọc theo bờ biển, bắt đầu từ các khu vực phía tây của Deir Al-Balah ở trung tâm Gaza đến Khan Younis và Rafah ở phía nam.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có tới 85% dân số Gaza - một trong những khu vực đông dân nhất thế giới - đã phải rời bỏ nhà cửa.
Liệu lịch sử có lặp lại?
Nhiều người Palestine ở Gaza cho biết họ sẽ không rời khỏi vùng đất này ngay cả khi có thể vì họ lo ngại điều đó có thể dẫn đến một cuộc di dời vĩnh viễn khác, lặp lại thảm họa năm 1948.
Ai Cập và các quốc gia Ảrập khác phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đẩy người Palestine khỏi vùng đất của họ. Giống như người Palestine, họ lo ngại bất kỳ cuộc di cư hàng loạt nào qua biên giới sẽ làm suy yếu thêm triển vọng về "giải pháp hai nhà nước" - ý tưởng thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh Israel - và khiến các quốc gia Ảrập phải gánh chịu làn sóng tị nạn.
Ảrập Xêút cho biết họ sẽ không thiết lập quan hệ với Israel nếu không thành lập nhà nước Palestine, trái ngược với tuyên bố của Trump rằng Riyadh không đòi hỏi một quê hương cho người Palestine.
Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực ngoại giao trong nhiều tháng để khiến Ảrập Xêút, một trong những quốc gia Ảrập hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất, bình thường hóa quan hệ với Israel và công nhận quốc gia này. Nhưng cuộc chiến ở Gaza đã khiến Riyadh gác lại vấn đề này trước sự tức giận của người Ảrập về cuộc tấn công của Israel.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, các chính phủ Ảrập, đặc biệt là Ai Cập và Jordan, đã tuyên bố người Palestine không được phép bị đuổi khỏi vùng đất mà họ muốn xây dựng một nhà nước tương lai, bao gồm Bờ Tây bị chiếm đóng và Dải Gaza.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel khi đó là Israel Katz, hiện đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết vào ngày 16.2.2024 rằng Israel không có kế hoạch trục xuất người Palestine khỏi Gaza. Israel sẽ phối hợp với Ai Cập về vấn đề người tị nạn Palestine và tìm cách không gây tổn hại đến lợi ích của Ai Cập, ông Katz nói thêm.
Tuy nhiên, những bình luận của một số người trong chính phủ Israel đã làm dấy lên nỗi sợ hãi của người Palestine và người Ảrập về một Nakba mới. Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich đã nhiều lần đề cập tới chính sách "khuyến khích di cư" của người Palestine khỏi Gaza và Israel áp đặt chế độ cai trị quân sự trên lãnh thổ này.