Ăn miếng trả miếng
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và các sản phẩm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời áp thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp, xe động cơ lớn và xe bán tải từ Mỹ. Mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 10.2 tới.
"Việc tăng thuế quan đơn phương của Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới", Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện cho biết trong một tuyên bố. "Quyết định này không chỉ khiến Mỹ không thể giải quyết các vấn đề của chính họ mà còn gây tổn hại đến sự hợp tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ".
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, với các nhà cung cấp hàng đầu là Australia, Qatar và Malaysia. Mỹ là nước xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu, nhưng lại không xuất khẩu LNG đáng kể sang Trung Quốc.
Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố, năm 2023, nước này đã xuất khẩu 173.247 triệu feet khối LNG sang Trung Quốc, chiếm khoảng 2,3% tổng khối lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
PVH là công ty thời trang sở hữu các thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein. Còn Illumina là công ty công nghệ sinh học chuyên về giải trình tự bộ gien, gần đây đã hợp tác với tập đoàn Nvidia về công nghệ AI liên quan đến sức khỏe.
Kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu khoáng sản quan trọng
Ngoài thuế quan, theo Bộ Thương mại và cơ quan hải quan Trung Quốc, để “bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”, Bắc Kinh sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một loạt khoáng sản quan trọng: vonfram, tellurium, ruthenium, molypden và các mặt hàng liên quan ruthenium. Rất nhiều trong số này được Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ chỉ định là khoáng sản quan trọng, có nghĩa là chúng rất cần thiết cho an ninh kinh tế hoặc quốc gia của Hoa Kỳ, có chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn.
“Các công ty Mỹ PVH Group và Illumina Inc đã bị liệt vào danh sách thực thể không đáng tin cậy” - Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này được áp dụng bổ sung cho các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng vào tháng 12 đối với các nguyên tố chính như gali được sử dụng trong sản xuất.
Điều tra Google
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết hôm 4.2 rằng họ đang điều tra Google vì nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền. Thông báo không đề cập đến thuế quan nhưng được đưa ra chỉ vài phút sau khi mức thuế 10% của Chính quyền Tổng thống Trump áp dụng đối với Trung Quốc có hiệu lực.
Không rõ cuộc điều tra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Google như thế nào. Google có sự hiện diện hạn chế ở Trung Quốc và công cụ tìm kiếm của họ bị chặn ở quốc gia này giống như hầu hết các nền tảng phương Tây khác. Google đã rời khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2010 sau khi từ chối tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt từ Chính phủ Trung Quốc và sau một loạt các cuộc tấn công mạng vào công ty.
Stephen Dover, chiến lược gia thị trường trưởng và là người đứng đầu Viện Franklin Templeton, cho biết phản ứng từ Trung Quốc có vẻ được tính toán và cân nhắc. Tuy nhiên, thế giới đang chuẩn bị cho những tác động tiếp theo.
Lưỡng bại câu thương
Đây không phải là vòng đầu tiên của các hành động ăn miếng trả miếng giữa hai nước. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã rơi vào vào một cuộc chiến thương mại vào năm 2018 khi ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng đáp trả tương tự. Và lịch sử các cuộc chiến thương mại cho thấy, nó chỉ mang lại thiệt hại cho người dân cả hai nước.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho biết lần này Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn nhiều để đối phó. “Họ có chế độ kiểm soát xuất khẩu phát triển hơn nhiều. Chúng ta phụ thuộc vào họ về nhiều khoáng sản quan trọng: gali, germani, than chì, và nhiều loại khác nữa. Vì vậy… họ có thể gây ra một số tác hại đáng kể cho nền kinh tế của chúng ta”, Philip Luck, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết tại một diễn đàn hôm 3.2.
Hàng loạt biện pháp được công bố hôm 4.2 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Mỹ, từ năng lượng đến từng công ty riêng lẻ. Các nhà kinh tế cho rằng kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump đang quay lại gây hại cho nền kinh tế Mỹ mà trước mắt là làm tăng giá cả đối với hàng triệu người Mỹ, chỉ vài tuần sau khi ông cam kết khi nhậm chức sẽ “nhanh chóng” giúp bình ổn thị trường.
Ông Templeton Dover cho biết: “Rủi ro của những động thái này nằm ở chỗ nó cho thấy đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh thương mại ăn miếng trả miếng, có thể dẫn đến tăng trưởng GDP ở mọi nơi thấp hơn, lạm phát ở Hoa Kỳ cao hơn, đồng đô la mạnh hơn và gây áp lực tăng lãi suất ở Hoa Kỳ”.
Mặc dù khẳng định sẽ “nói chuyện” với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tuần, ông Trump trong cuộc phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục hôm 3.2, vẫn khẳng định rằng thuế quan là một phương tiện “rất mạnh mẽ” để củng cố nền kinh tế Mỹ và “có được những thứ nước Mỹ cần”.
Cũng trong ngày 4.2, thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm từ Canada và Mexico cũng sẽ có hiệu lực mặc dù ông Trump đã đồng ý tạm dừng áp dụng các mức thuế mới trong vòng 30 ngày sau khi hai nước có hành động để xoa dịu mối quan ngại của Mỹ về an ninh biên giới và buôn bán ma túy.