Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐBQH Trần Văn Thức tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Đại biểu kỳ vọng, dự thảo luật sau khi thông qua sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQTW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.
Theo đó, đại biểu góp ý, thuật ngữ “tham chiếu” được sử dụng nhiều lần (8 lần) trong dự thảo luật. Đây là một thuật ngữ mang tính chuyên ngành và được sử dụng trong nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau như: khoa học máy tính; xã hội học, kiến trúc, tài chính, chứng khoán… không phải là từ ngữ thông dụng. Trong giao dịch điện tử, thuật ngữ “tham chiếu” được sử dụng với nghĩa như thế nào cần được giải thích cụ thể để bảo đảm việc vận dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm một khoản vào Điều 3 để giải thích và làm rõ nội hàm của thuật ngữ “tham chiếu”.
Tại Khoản 1 Điều 9 quy định: “Lợi dụng giao dịch điện tử gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, đại biểu Thức cho rằng: Để bảo đảm tính bao quát, toàn diện được quy định tại điều luật, đề nghị sửa lại như sau: “Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Tại Điều 12 dự thảo luật quy định về giá trị như văn bản của thông điệp dữ liệu như sau: “Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.”. Qua nghiên cứu cho thấy, việc chứng thực cũng được quy định tại Luật Giao dịch điện tử (tại các Điều từ 31 đến Điều 36). Do vậy, đại biểu đề nghị sửa lại quy định vừa trích dẫn nêu trên thành: “Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của luật này và pháp luật về công chứng, chứng thực.”
Về thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ được quy định tại khoản 3 Điều 14 dự thảo luật, đại biểu Thức phân tích, các quy định của pháp luật về tố tụng như tố tụng hình sự, tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính chỉ quy định các thuộc tính của chứng cứ, giá trị chứng minh của chứng cứ … theo quy định chung của từng lĩnh vực tố tụng mà không có quy định cụ thể, chi tiết các vấn đề liên quan tới thông điệp dữ liệu điện tử như: độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác… các vấn đề này chỉ được quy định trong Luật Giao dịch điện tử. Do vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi và tính hiệu lực trong việc dẫn chiếu áp dụng thực hiện trên thực tế, cần quy định thông điệp dữ liệu dùng làm chứng cứ theo quy định của cả Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về tố tụng như nêu trên. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung vào khoản 3 để sửa đổi lại thành: “Thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ theo quy định của luật này và pháp luật về tố tụng”.
Liên quan đến giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử được quy định tại Khoản 3, Điều 38, ĐBQH Trần Văn Thức cũng cho rằng cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, về nội dung, hình thức giao kết hợp đồng nói chung đã được quy định tại Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành khác có quy định về hợp đồng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Đồng thời, để thống nhất với quan điểm xây dựng luật là chỉ quy định những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung, điều kiện, hình thức đã được pháp luật khác quy định. Mặt khác, dự thảo luật cũng đã quy định các vấn đề liên quan từ Điều 37 đến Điều 41. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét tính cần thiết của quy định tại khoản 3 Điều 38 nêu trên. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, bổ sung trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương theo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ.