Tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
Điều 72, dự thảo Luật quy định: khi tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng vì mục đích công cộng khởi kiện vụ án dân sự có trách nhiệm thông báo công khai thông tin người khởi kiện, cá nhân tổ chức kinh doanh bị kiện, nội dung khởi kiện bằng hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở của tổ chức xã hội… Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị: cân nhắc việc công khai thông tin tổ chức, cá nhân kinh doanh bị kiện lên phương tiện thông tin đại chúng. Lý giải về điều này, đại biểu cho rằng, đây là vụ án dân sự có tranh chấp và được lựa chọn giải quyết bằng con đường khởi kiện, vì vậy các bên tham gia tố tụng phải tuân thủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành, Khoản 1, Điều 70 quy định đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng; khoản 9, Điều 70, khoản 2 Điều 109 quy định đương sự có nghĩa vụ gửi tài liệu chứng cứ kèm theo bản sao đơn khởi kiện cho đương sự khác, trừ các chứng cứ tài liệu liên quan bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật nghề nghiệp; khoản 25 Điều 70 quy định đương sự không được lạm dụng quyền để gây khó khăn cho đương sự khác trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, việc quyết định công khai thông tin, nội dung khởi kiện, tổ chức, cá nhân bị khởi kiện lên các phương tiện truyền thông đại chúng, trang thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng là không phù hợp với pháp luật có liên quan, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bị kiện, nhất là trong điều kiện thời đại công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay.
Mặt khác, khi khởi kiện có thể không được chấp nhận hoặc tổ chức cá nhân kinh doanh không có lỗi, hoặc được miễn trách nhiệm bồi thường; trong khi đó, Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành chỉ quy định các đương sự gửi cho đương sự khác đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn trừ các chứng cứ tài liệu liên quan bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật nghề nghiệp.
Trên cơ sở đó, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị: cần đánh giá tác động trên thực tế quy định này để cân nhắc, tránh gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc các trường hợp lợi dụng quy định này để phát sinh cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật liên quan khác.
Giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn
Liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 317 Bộ Luật Tố tụng dân sự, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng: vụ án không có yếu tố nước ngoài, đương sự nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài hoặc có đương sự nước ngoài nhưng các đương sự có đề nghị tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
Đại biểu cho rằng: Khi tài liệu chứng cứ rõ ràng, quá trình giải quyết vụ án không phải thu thập thêm chứng cứ tài liệu khác, các bên thừa nhận đủ căn cứ để giải quyết vụ án như vậy Khoản 1, Điều 317 Bộ Luật Tố tụng dân sự không hạn chế giá trị giao dịch là bao nhiêu khi giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 2 Điều 70 của dự thảo luật lại quy định thêm giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là không phù hợp.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đánh giá bản chất của vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn là rút ngắn về thời gian, giảm thủ tục không cần phải thu thập thêm tài liệu chứng cứ để giải quyết vụ án vì chứng cứ tài liệu đã rõ ràng, các bên đều đã thừa nhận nhằm tạo điều kiện để các bên giải quyết vụ án được nhanh chóng mà không phụ thuộc vào giá trị giao dịch là bao nhiêu.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục cân nhắc việc giải quyết vụ án do người tiêu dùng khởi kiện theo thủ tục rút gọn như quy định tại khoản 1 Điều 317 là phù hợp.