Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết: Đối với việc huy động quản lý các nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống Covid-19, do dịch bệnh chưa có tiền lệ, có nhiều vấn đề phát sinh mà pháp luật chưa quy định nên tại thời điểm đó các cơ quan cấp trên chưa có các văn bản hướng dẫn kịp thời; Hoặc là có, nhưng là giữa các cơ quan có sự hướng dẫn, song những hướng dẫn chưa được thống nhất và đồng bộ với nhau. Đơn cử tại Bến Tre khi thực hiện hoạt động phòng chống dịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương chỉ ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine. Sau khi hết dịch, sẽ nộp số tiền còn lại về cho Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về phía MTTQ Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch cấp bách tại địa phương; Từng nội dung sử dụng phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm vừa rồi, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng đã yêu cầu Ủy ban MMTTQ Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch hiện chỉ còn trên dưới 17 tỷ. Do vậy không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết: Không chỉ tỉnh Bến Tre mà còn nhiều tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp khó khăn trong vấn đề này. Theo đó, đại biểu đề nghị Trung ương MTTQ Việt Nam có tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này.
Đối với thực hiện chính sách y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng cho rằng: mạng lưới y tế cơ sở hiện nay tuy được tổ chức đồng bộ bao phủ đến tuyến xã, thậm chí phủ đến các ấp, khu phố, song thực tế hoạt động chưa thực sự đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Dẫn chứng việc này, đại biểu nêu: y tế cơ sở hiện đang quá tải với nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực và trang bị y tế cơ sở vật chất. Hiện nhiều cơ sở trạm y tế đang thiếu bác sĩ cơ hữu. Chỉ ra nguyên nhân tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, do có sự chuyển dịch đội ngũ bác sĩ sang hệ thống y tế tư nhân và các đơn vị lớn. Bên cạnh đó, chính sách tinh giản biên chế hiện nay cũng áp dụng với nghành y; nhiều nơi không có người kế cận khi các y bác sĩ đến tuổi về hưu, trong khi đội ngũ sinh viên sau khi ra trường rất ít người chọn về về làm việc tại cơ sở... Từ thực tế này, đại biểu cho rằng, nếu không có chính sách phù hợp thì khoảng 10 - 15 năm nữa thì các trạm y tế cơ sở sẽ không có bác sĩ làm việc nữa.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, hiện nay chính sách tiền lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập và công sức lao động của đội ngũ y bác sĩ. Đơn cử, tại các trạm y tế, chế độ tiền trực mỗi đêm chỉ có 25.000 đồng và tiền ăn là 15.000 đồng/đêm trực. Với mức chi phí này là rất khiêm tốn đối với công sức cho nhân viên y tế đã bỏ ra. "với chế độ chính sách này khó thu hút và giữ chân đội ngũ y tế với tuyến cơ sở"- đại biểu Yến Nhi nhấn mạnh.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu chế độ, ban hành chính sách để thu hút đội ngũ y tế tuyến cơ sở và tạo điều kiện cho đội ngũ y tế cơ sở hiện nay đang công tác nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu khám chưa bệnh tại địa phương.