Đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên

GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận, bán dẫn vi mạch là lĩnh vực yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tài năng. Do đó, đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, tuyển sinh các chương trình đào tạo về bán dẫn vi mạch cũng không dễ. Muốn học tốt ngành này, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên bao gồm Toán, Vật lý, Hóa học cũng như các kỹ năng mềm và có khả năng tiếng Anh. 

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và ban hành trong quý I năm 2025. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học và đang xin ý kiến các trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia,... để hoàn thiện dự thảo trước khi chính thức ban hành.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Năm 2025, nhiều trường đại học công bố mở các ngành học mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi nhiều trường đại học mở các ngành đào tạo liên quan đến vi mạch bán dẫn là liệu nguồn nhân lực này trong tương lai có thể bị “bão hòa”, khiến sinh viên khi tốt nghiệp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn liên quan đến nội dung trên.

Trường đại học cần “chớp lấy cơ hội”

- Thưa GS.TS Chử Đức Trình, ông đánh giá như thế nào về cơ hội của Việt Nam để tham gia sâu rộng vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn trên toàn cầu? Trong bối cảnh này, các trường đại học cần lưu ý điều gì trong xây dựng chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao?

GS.TS Chử Đức Trình: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng thể hiện trong chất lượng nguồn nhân lực và vị thế địa chính trị để phát triển công nghiệp bán dẫn. Thời gian vừa qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn cũng như lãnh đạo các trường đại học lớn trên thế giới khi đến thăm, làm việc tại nước ta đều nhận định đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bước chân vào sâu hơn trong công nghiệp bán dẫn. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá.

gs-1692864526639-1.jpg
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn

Với những chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ trong kỷ nguyên mới, đặc biệt với Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tôi tin rằng lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng. Đây không phải là một ngành công nghiệp mà là một “siêu ngành công nghiệp”.

Việt Nam thời gian qua đã có nhiều khẳng định thế mạnh trong ngành công nghệ thông tin và đã tạo ra sự tác động lớn trên thị trường thế giới. Nếu chúng ta thì làm chủ được công nghệ bán dẫn hay tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong công nghiệp bán dẫn thì tác động của công nghiệp Việt Nam với thế giới còn lớn hơn rất nhiều.

Vi mạch bán dẫn là nền tảng của cách mạng công nghiệp. Thực tế thấy rằng, quốc gia nào tham gia sâu vào quy trình thiết kế chế tạo vi mạch bán dẫn thì quốc gia ấy phát triển. Trong thời gian qua, chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có sự dịch chuyển rất mạnh do hai yếu tố: sự đứt gãy sau đại dịch Covid-19 và sự đấu tranh địa chính trị giữa các nước. Về bối cảnh trong nước, bên cạnh các chính sách quan trọng đã được ban hành, chúng ta cũng đang đón chờ một sự chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái toàn diện từ các doanh nghiệp lớn đến đầu tư FDI và của chính từ doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, dù ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam tham gia khá muộn so với thế giới, nhưng chúng ta đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một”. Mục tiêu của chúng ta là đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn.

Tôi cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần chớp lấy cơ hội, xây dựng các chương trình đào tạo gắn với chất lượng cao, gắn với đào tạo tài năng để đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao dẫn dắt toàn bộ hệ thống công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.

Trên thực tế, nếu nhìn vào thị trường bán dẫn ở các quốc gia hàng đầu như Mỹ, có thể thấy tỷ lệ nhân lực tốt nghiệp tiến sĩ rất nhiều. Nhưng ở Việt Nam, do đặc thù phân khúc đầu tư của các doanh nghiệp, tỷ lệ nhân lực trong giai đoạn trước mắt sẽ tập trung nhiều hơn ở nhóm nhân lực tốt nghiệp đại học và thạc sĩ. Nếu phân chia theo chương trình đào tạo hệ “chuẩn” và hệ “tài năng” thì ở Việt Nam, số lượng nhân lực tốt nghiệp đại học hệ “tài năng” cũng chưa nhiều.

Các cơ sở đào tạo nếu định hướng phát triển chương trình đào tạo tài năng thì cần xây dựng chuẩn đầu ra cao, nâng chuẩn đầu vào của sinh viên, nâng chuẩn đối với các giảng viên, chuẩn đầu tư các phòng thí nghiệm, thực hành cũng cần phải quan tâm. Từ đó, chúng ta sẽ tạo ra được đội ngũ nhân lực tài năng xuất sắc để dẫn dắt toàn bộ hệ thống, trên nền hệ thống nhân lực chung của toàn quốc.

Đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ!

- Khi nhiều trường đại học mở các ngành đào tạo liên quan đến vi mạch bán dẫn, một số ý kiến lo ngại việc “bão hòa” nguồn nhân lực lĩnh vực này trong tương lai, khiến sinh viên khi tốt nghiệp có thể khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này và theo ông, để theo đuổi lĩnh vực vi mạch bán dẫn, sinh viên cần đáp ứng những điều kiện nào?

GS.TS Chử Đức Trình: Bán dẫn là một ngành công nghiệp rất rộng lớn. Lao động khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo liên quan có thể làm việc trong nhiều môi trường, nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau nếu đạt được chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cơ bản và định hướng chuyên sâu của chương trình đào tạo, trong đó có các nội dung tập trung vào định hướng vi mạch bán dẫn.

Sản phẩm chính của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là chế tạo được một hệ thống điện tử trên một đế bán dẫn. Nên các bạn học chuyên sâu thiết kế vi mạch có thể làm việc trong ngành thiết kế vi mạch bán dẫn hoặc trong các doanh nghiệp thiết kế các hệ thống điện tử nói chung và tương tự cho các mảng khác như chế tạo, đóng gói, kiểm thử.

Bán dẫn vi mạch là một lĩnh vực yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tài năng. Do đó, đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, tuyển sinh các chương trình đào tạo về bán dẫn vi mạch cũng không dễ. Muốn học tốt ngành này, sinh viên cần giỏi các môn tự nhiên bao gồm Toán, Vật lý, Hóa học cũng như các kỹ năng mềm và có khả năng tiếng Anh.

Vi mạch bán dẫn là lĩnh vực có sự kết nối trên phạm vi toàn cầu và cập nhật thường xuyên nên các thông tin, kiến thức, kỹ năng được chia sẻ trên toàn cầu, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Đó là lý do nhân lực trong lĩnh vực này cần khả năng tiếng Anh tốt, nếu đợi cho các tài liệu được dịch ra tiếng Việt mới tiếp cận được thì khi ấy chúng ta đã đi sau rất xa về kiến thức và công nghệ so với thế giới.

Các trường đại học cần rất cẩn thận trong việc thiết kế chương trình đào tạo cũng như đánh giá đầu vào của sinh viên. Chúng tôi tin rằng, đầu vào tốt thì chất lượng đầu ra mới có thể tốt được.

viet-nam-van-chua-conha-may-san-xuat-vi-mach.jpg
GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh, để đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn không dễ, nhân lực học được bán dẫn vi mạch cũng không dễ (Ảnh minh họa)

Khác với một số chương trình khi nhân lực đầu ra chỉ làm trong một ngành, một nghề thì với chương trình này, nhân lực đầu ra có thể làm cho nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ là bán dẫn. Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao đào tạo ở Việt Nam không chỉ làm việc ở Việt Nam mà còn có thể làm việc trong các thị trường lao động khác trên thế giới như Đài Loan, Đức, Mỹ,... Thời gian tới khi nhân lực vi mạch bán dẫn của chúng ta có cơ hội việc làm tốt trên toàn cầu, lúc đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải cạnh tranh với doanh nghiệp trên thế giới để tuyển dụng lao động.

Bán dẫn là ngành công nghiệp toàn cầu, trên thế giới không nước nào làm chủ hoàn toàn cả chuỗi dây truyền công nghiệp. Đồng thời, bán dẫn cũng yêu cầu nhân lực giỏi, tài năng. Người Việt Nam nổi tiếng thông minh, chăm chỉ và có lợi thế trong STEM. Trên thực tế, có một đội ngũ nhân lực khá lớn người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực bán dẫn trên toàn cầu, tập trung tại một số quốc gia như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,...

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên đại học của Việt Nam trong những năm gần đây chỉ dao động khoảng 30%. Để có đội ngũ nhân lực dồi dào cho các ngành công nghiệp trong thời gian tới, chúng ta phải nâng tỷ lệ sinh viên theo STEM lên. Do đó, chúng ta không sợ thiếu việc cho các sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan mà chỉ lo không thu hút đủ các sinh viên chất lượng cao, tài năng tham gia các chương trình đào tạo này.

Đào tạo thế nào để sinh viên ra trường có thu nhập cao?

- Theo ông, các trường đại học đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn cần xây dựng chương trình đào tạo thế nào để sinh viên khi ra trường có mức thu nhập cao, có nhiều cơ hội trên thị trường lao động?

GS.TS Chử Đức Trình: Trước hết phải khẳng định hệ sinh thái công nghiệp là trung tâm của câu chuyện này. Chúng ta cần có chiến lược dài hạn trong thu hút và xây dựng các doanh nghiệp công nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp cần có những bức tranh dự đoán về bản đồ nhân lực cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và đặc biệt dài hạn 10 năm, 20 năm. Dựa trên bản đồ nhân lực, các cơ sở giáo dục đại học triển khai các chương trình và định hướng đầu tư để đáp ứng nhu cầu nhân lực đó. Tất nhiên, như đã đề cập ở trên, nhân lực chất lượng cao, tài năng có thể làm việc trên môi trường toàn cầu, do đó các cơ sở giáo dục phải nghiên cứu không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước mà còn trên thế giới.

Muốn nhân lực khi ra trường có chất lượng cao, đáp ứng nhanh chóng vào các công việc của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cũng phải đồng hành và tham gia sâu vào quá trình định hướng và đào tạo cùng với các cơ sở giáo dục. Thu nhập của người lao động cao luôn gắn chặt với năng suất lao động cao. Năng suất lao động của doanh nghiệp được quyết định bởi nhiều yếu tố gồm tổ chức của doanh nghiệp, phân khúc và cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp, thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là chất lượng lao động của doanh nghiệp đó.

Theo thống kê của Worldbank, năng suất lao động của nhân lực Singapore cao hơn Việt Nam rất nhiều. Tại sao lại vậy dù trên thực tế người Việt rất thông minh, giỏi và chăm chỉ?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Singapore, ở đây là một ví dụ, họ có tính hệ thống đồng bộ hơn, chuẩn chỉnh hơn và phân khúc thị trường cao hơn, do đó họ nhận được giá trị cao hơn. Thời gian tới, để nâng cao năng suất, chúng ta cũng phải rà soát, tiến hành tất cả các khâu như vậy. Và đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải từng bước nâng cao phân khúc giá trị trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. Các doanh nghiệp chỉ có thể thành công nếu đầu tư hơn nữa vào các khâu R&D. Tỷ lệ đầu tư vào R&D của Việt Nam đang ở mức rất thấp trên thế giới.

Tôi tin rằng các trường đại học cũng như hệ thống quản lý của Bộ GD-ĐT đang nâng dần lên, do đó chất lượng lao động Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Các cơ sở giáo dục cần nâng cao chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo và tăng cường hợp tác với các bên liên quan. Nguồn lực lao động dồi dào, chất lượng cao, tài năng sẽ là tiền đề để thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội khởi nghiệp cho chính người Việt trong không chỉ lĩnh vực vi mạch bán dẫn mà tất cả các lĩnh vực khác nói chung.

473775338-1067318798528932-4118774893148960806-n.jpg
473595572-1067317675195711-5576338702616480092-n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội trong lễ tốt nghiệp

- Với riêng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo như thế nào để đáp ứng nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực bán dẫn trong thời gian tới, thưa ông?

GS.TS Chử Đức Trình: Ở hầu hết chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay, sinh viên đều có thể tiếp cận với lĩnh vực bán dẫn khi tốt nghiệp.

Có thể kế các chương trình định hướng phần mềm như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo cho đến các chương trình gắn kết phần mềm với phần cứng như mạng máy tính và truyền thông, kỹ thuật máy tính, điện tử viễn thông, kỹ thuật robot, cơ điện tử, cơ kỹ thuật, vật lý kỹ thuật, công nghệ vật liệu,... đều có thể tham gia vào các khâu khác nhau trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, bao gồm các định hướng thiết kế chế tạo thiết bị tích hợp (IDM), thiết kế không xưởng (fabless design), gia công sản xuất (foundry), thiết kế chế tạo thiết bị và công cụ ứng dụng trong ngành bán dẫn (tool manufacturer).

Hằng năm, số chỉ tiêu của nhà trường dành cho các ngành này lên tới khoảng 2.500 sinh viên. Trong đó, các sinh viên theo các định hướng chuyên ngành về vi mạch bán dẫn sẽ được tiếp cận kiến thức và kỹ năng đặc thù của ngành bán dẫn.

Bên cạnh đó, năm 2025, Trường Đại học Công nghệ mở 4 ngành học mới, trong đó có 3 ngành rất gần với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, gồm: Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu).

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Chử Đức Trình đã chia sẻ!

Giáo dục

Những tin tức giáo dục đáng chú ý tuần qua
Giáo dục

Những tin tức giáo dục đáng chú ý tuần qua

Rộn ràng không khí Tết ở các trường học là một trong những điểm nhấn giáo dục tuần qua. Bên cạnh đó một số trường đại học đã thông tin về đề án tuyển sinh năm 2025. Vụ việc ngộ độc thuốc chuột tập thể tại Tuyên Quang đang được xã hội rất quan tâm...

Trường Đại học Lâm Nghiệp phát triển thành đại học số, khởi nghiệp và đa lĩnh vực
Giáo dục

Trường Đại học Lâm Nghiệp phát triển thành đại học số, khởi nghiệp và đa lĩnh vực

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo, trước yêu cầu xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hiện đại, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, suy thoái tài nguyên, môi trường càng đặt lên vai của Trường Đại học Lâm nghiệp sứ mệnh cao cả và ý chí quyết tâm đổi mới.

Tri thức là nền tảng trong kỷ nguyên vươn mình
Xã hội

Tri thức là nền tảng trong kỷ nguyên vươn mình

Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN TUẤN Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta hãy bắt đầu từ những "tế bào" của trụ cột quốc gia về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều có vị trí quan trọng. Tri thức là nhân tố quan trọng nhất tạo ra động lực phát triển thịnh vượng bền vững của một quốc gia vượt lên các yếu tố về thể chế, địa lý, văn hóa. Tập hợp nguồn tri thức là tập hợp những "tế bào" mạnh khỏe của mọi mặt đời sống xã hội. Chúng ta cùng nhau tập hợp tri thức, kiến thức của các tầng lớp Nhân dân tạo ra các nền tảng cơ bản tạo đà cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nữ sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đoạt giải quốc gia tiếng Nhật: "Thích sự kỷ luật và văn hóa Nhật Bản"
Giáo dục

Nữ sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đoạt giải quốc gia tiếng Nhật: "Thích sự kỷ luật và văn hóa Nhật Bản"

Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025, Trần Nhật Minh Anh, lớp 12N1, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã xuất sắc giành giải 3 môn tiếng Nhật. Với Minh Anh, em yêu thích văn hoá Nhật, thích cách làm việc của người Nhật, sự kỷ luật, khắt khe trong công việc.