Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán là thời gian học sinh trông đợi nhất trong năm, không chỉ bởi được đoàn tụ gia đình, mà còn tạm gác lại bài vở sau kỳ học căng thẳng. Tuy vậy, việc có nên giao bài tập Tết cho học sinh vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn, giữa phụ huynh, giáo viên và trường học.
Nhiều ý kiến cho rằng học sinh nên có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn bên gia đình, thay vì “cắm đầu” vào việc giải bài tập. Nhưng không ít phụ huynh lại bày tỏ nỗi lo kỳ nghỉ Tết kéo dài có thể khiến con em quên lãng kiến thức, từ đó xao nhãng và mất hứng thú học tập.
Việc giao bài tập Tết có thật sự cần thiết?
Có con gái đang học lớp 3 của một trường tư thục tại TP. Hà Nội, chị Vũ Thị Minh Huyền rất tâm đắc với phiếu giao bài tập của con. Các dạng bài Tết của con gái bao gồm thiết kế phong bao lì xì, dọn nhà và gói bánh chưng; hay cùng gia đình trang trí, tân trang nhà cửa. Thậm chí, là các kiểu bài yêu cầu học sinh biết vào bếp phụ ông bà, bố mẹ nấu cơm, bày mâm ngũ quả,..
Theo chị Huyền, các trường không nên giao bài tập Tết để học sinh được tận hưởng trọn vẹn không khí ngày vui. Đối với học sinh tiểu học, nên bỏ hẳn bài tập trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán nói riêng và các ngày nghỉ lễ nói chung. Còn đối với học sinh cấp THCS và THPT, nhà trường cần thống nhất số lượng kiến thức ôn tập, tránh lượng bài giao quá nhiều và chỉ tập trung vào kiến thức bài cũ tiếp nối sang bài mới.
“Tết Nguyên đán là dịp để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết. Nhà trường, các thầy cô giáo cần tạo điều kiện để học sinh có khoảng thời gian nghỉ Tết và sum họp cùng gia đình. Học sinh ngày nay không chỉ học qua sách vở, mà còn học các kỹ năng, phẩm chất thông qua chất liệu cuộc sống như trò chuyện, chúc Tết người thân và phụ giúp bố mẹ làm việc nhà”, chị Huyền cho biết.
Khác quan điểm, chị Hoàng Thị Mai (34 tuổi, Nam Từ Liêm) có con đang học lớp 5 lại đồng tình với việc giao bài tập Tết. Theo chị, trẻ em trong độ tuổi này chưa có tinh thần tự giác cao, dễ bị xao nhãng trong dịp nghỉ dài. Bài tập Tết giúp các em củng cố và ôn tập kiến thức đã học; chuẩn bị tốt hơn cho kỳ học mới. Đồng thời, tạo tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao trong học tập và biết cách quản lý thời gian hiệu quả.
“Nhiều phụ huynh cảm thấy không thoải mái nếu con ngồi vào bàn học trong ngày Tết, khi cả gia đình đang quây quần vui vẻ. Để giảm tình trạng này, bố mẹ có thể nhắc con chủ động làm bài tập vào ngày đầu kỳ nghỉ. Khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ, các con có thể thư giãn và tham gia các hoạt động đón Tết cùng gia đình, mà vẫn không quên kiến thức”, chị Mai cho hay.
Không chỉ phụ huynh, các giáo viên cũng có ý kiến khác nhau xoay quanh việc giao bài tập Tết. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Cô Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình) đề xuất không nên giao bài tập Tết cho học sinh.
"Tết là thời gian học sinh được cùng ông bà, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị cỗ, đi chúc Tết,… Các hoạt động này không chỉ tạo sự gắn kết với gia đình, mà còn là một nội dung giáo dục quan trọng của bậc Tiểu học. Hãy để các em được tận hưởng kỳ nghỉ tết đúng nghĩa. Việc ôn luyện chỉ nên ở mức độ vừa phải, không cần quá nhiều", Cô Phạm Minh Thảo cho hay.
Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Ninh Bình) Đoàn Thị Kim Dung lại có góc nhìn khác. Việc có nên giao bài tập Tết hay không còn phụ thuộc vào nguyện vọng, định hướng của mỗi cơ sở giáo dục, địa phương và học sinh. Giao bài tập Tết là cần thiết, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng để học sinh hệ thống hóa được kiến thức đã học, dễ tiếp thu các kiến thức mới sau kỳ nghỉ.
"Học sinh cuối cấp có thể tận dụng khoảng thời gian nghỉ Tết để ôn tập các kiến thức quan trọng. Giáo viên cần xây dựng các dạng bài hợp lý, độ khó vừa phải, sát với chương trình học để bổ trợ kiến thức cho các em", cô Hiệu trưởng gợi ý.
Nhà giáo ưu tú Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS - THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) thông tin, một trong các nguyên tắc giao bài tập Tết của trường là cân đối khối lượng, độ khó để phù hợp với từng học sinh. Các dạng bài chú trọng vào thực tế, không lan man, tránh ảnh hưởng đến việc vui chơi, nghỉ ngơi của các em.
"Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm khuyến khích học sinh cuối cấp nâng cao tinh thần tự học, chủ động ôn tập, thay vì phụ thuộc vào bài tập thầy, cô giao. Trường thường tổ chức các kỳ khảo sát trước Tết, để các em biết được năng lực của bản thân đến đâu và có kế hoạch ôn tập hợp lý", thầy Đặng Quốc Thống cho biết.
Giao bài tập Tết cần thực hiện hợp lý, khoa học và sáng tạo
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS. TS Phạm Mạnh Hà, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc giao bài tập Tết giúp học sinh duy trì thói quen học tập, củng cố kiến thức và tránh quên kiến thức đã học. Từ đó, các em trở nên chủ động hơn, phát triển khả năng tự học và quản lý thời gian.
Tuy vậy, cần cân nhắc kỹ lượng việc giao bài tập Tết, bởi đây là thời gian quan trọng để học sinh nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sau một kỳ học tập căng thẳng và kết nối với gia đình.
PGS. TS Phạm Mạnh Hà đề xuất, việc giao bài tập cần được thực hiện hợp lý, khoa học và sáng tạo. Thay vì các bài tập lý thuyết, giáo viên có thể giao các bài tập mang tính ứng dụng và sáng tạo cao. Ví dụ, đối với môn Toán, thay vì tính giá trị hàm số, có thể yêu cầu học sinh tính số lượng tiền lì xì, hay mục đích sử dụng khoản tiền đó như thế nào;... Với môn Ngữ văn, giáo viên có thể yêu cầu học sinh viết cảm nhận về ngày Tết, các hoạt động tham gia trong kỳ nghỉ...
"Các bài tập thú vị không chỉ khơi dậy ham muốn học tập từ học sinh, mà còn giúp các em phát triển tư duy và yêu hơn các nét đẹp văn hóa truyền thống. Tránh giao quá nhiều bài tập, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh", PGS. TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, theo Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học Nhân văn Nguyễn Thị Mai Anh, khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 tạo điều kiện cho nhiều hoạt động giải trí và tạm thời thay đổi kế hoạch học tập của học sinh. Đứng trước sức hấp dẫn của các sự kiện đó, học sinh dễ có tâm lý "thả lỏng" và đánh mất nhịp độ học tập.
Để đảm bảo nghỉ lễ mà "không quên nhiệm vụ", Nhà trường và giáo viên cần vận dụng các phương pháp giáo dục linh hoạt, định hướng học sinh chủ động ôn tập kiến thức cũ; biết cách sử dụng thời gian hiệu quả mà không bỏ qua các hoạt động gắn kết gia đình.
"Học sinh có thể tham khảo một số giải pháp cân bằng việc học - chơi trong kỳ nghỉ Tết như lập thời gian biểu cụ thể và linh hoạt. Ví dụ, các em có thể nghỉ ngơi hoàn toàn vào ngày 30 và mùng 1 Tết và chọn cách 'khai bút đầu xuân' nhẹ nhàng, để việc học trở nên thú vị hơn", Th.S Nguyễn Thị Mai Anh đề xuất.
Đồng thời, học sinh cần tạo kế hoạch ôn tập hợp lý, tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Cần chọn lọc các nội dung ôn tập, tránh học dàn trải để tiết kiệm thời gian. Có thể học thời gian ngắn nhưng hiệu quả cao; nghỉ ngơi 15 – 20 phút sau các khoảng thời gian học tập.
"Trong những ngày này, phụ huynh cần trở thành người bạn đồng hành, tạo điều kiện về thời gian, không gian để học sinh duy trì việc học. Hãy cùng trao đổi với con về kế hoạch cá nhân, nhắc con cân bằng giữa học tập và vui chơi để tận hưởng kỳ nghỉ Tết trọn vẹn nhất", Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học Nhân văn gợi ý.