Sắp có chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và ban hành trong quý I năm 2025.

Ngày 16.1, tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

Chuẩn bị nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng để “nắm bắt cơ hội lịch sử

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết vào ngày 21.9.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký đồng thời 2 quyết định quan trọng là Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Những quyết định này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước, khi Việt Nam đứng trước một trong những cơ hội lịch sử trong việc tham gia vào sâu rộng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn trên toàn cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, nhiệm vụ hết sức quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt được cơ hội lịch sử liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là việc chuẩn bị nguồn nhân lực.

img-2257.jpg
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
img-2349.jpg
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn

“Để làm được việc đó, ngành giáo dục trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở hàng đầu đào tạo ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn”, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn và ban hành trong quý I năm 2025. Để thực hiện chỉ đạo này, Bộ GD-ĐT đã lập tức ban hành kế hoạch hành động, ra quyết định thành lập tổ công tác, Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Đến nay, sau những nỗ lực rất lớn của tổ công tác, Hội đồng tư vấn cùng sự song hành của các cơ sở giáo dục đại học, chúng ta đã có dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

Theo GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong giáo dục và địa chính trị để phát triển lĩnh vực bán dẫn. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn cũng như lãnh đạo các trường đại học lớn trên thế giới khi đến thăm, làm việc tại nước ta đều nhận định đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bước chân vào sâu hơn trong công nghiệp bán dẫn. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá.

“Với những chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ trong kỷ nguyên mới, tôi tin rằng lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng. Đây không phải là một ngành công nghiệp mà là một siêu ngành công nghiệp”, GS.TS Chử Đức Trình cho hay.

img-2281-1.jpg
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình bày những nội dung trong dự thảo

GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh, trên thế giới, vi mạch bán dẫn là nền tảng của cách mạng công nghiệp, đất nước nào tham gia sâu vào quy trình bán dẫn thì đất nước ấy phát triển. Trong thời gian vừa qua, chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có sự dịch chuyển rất mạnh do hai yếu tố: sự đứt gãy sau đại dịch Covid-19 và sự đấu tranh địa chính trị giữa các nước. Bên cạnh đó trên thế giới, xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đang nổi lên.

Về bối cảnh trong nước, bên cạnh các Quyết định quan trọng đã được Chính phủ ban hành, chúng ta cũng đang đón chờ một sự chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ sinh thái toàn diện từ các nước xung quanh và chính từ doanh nghiệp Việt Nam để triển khai thực hiện. “Mục tiêu của chúng ta là đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn”, GS.TS Chử Đức Trình nói.

Chương trình đào tạo gồm 4 khối kiến thức chính

Theo dự thảo, chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học về vi mạch bán dẫn được xây dựng theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22.6.2021, quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Quá trình xây dựng chuẩn này có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, cùng với việc tham khảo ý kiến rộng rãi từ các cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động và cựu sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Chuẩn chương trình được xây dựng bám sát các quy định của pháp luật hiện hành và tham khảo các yêu cầu về chương trình đào tạo tương ứng của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Chuẩn đầu ra chung của chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn phải được thiết kế nhằm bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có đầy đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu chuyên môn, kỹ năng và trách nhiệm trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Dựa trên các chuẩn đầu ra chung đã được xây dựng nhằm bảo đảm người học có kiến thức nền tảng vững chắc, kỹ năng chuyên sâu và khả năng tự chủ, trách nhiệm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, từng hướng chuyên sâu về vi mạch bán dẫn được thiết kế các chuẩn đầu ra riêng.

Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Những yêu cầu này nhằm bảo đảm người học có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.

Cụ thể, đối tượng tuyển sinh là người đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương; người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT theo quy định của pháp luật.

Đối với đối tượng đầu vào sinh viên năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) từ các ngành học khác phải có học lực từ “Khá” trở lên.

Về kiến thức cơ bản, đối tượng tuyển sinh cần có khối kiến thức về Toán, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học) và Tin học/Công nghệ (Điện - Điện tử) đạt điểm trung bình từ 65% trở lên của thang đánh giá. Ngoại ngữ đối với đối tượng đầu vào chuyển tiếp từ năm thứ 2, 3, 4 (không phải sinh viên năm cuối) hoặc người đã có bằng tốt nghiệp đại học phải đạt trình độ từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Chương trình đào tạo phải xây dựng và thực hiện các chính sách tiếp nhận sinh viên chuyển tiếp từ các chương trình đào tạo khác như: công nhận tín chỉ tương đương, quy định chuyển tiếp sang học các hướng chuyên ngành chủ đạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

dau-tu-bai-ban-chien-luoc-lau-dai-4-6138.jpg
Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn (Ảnh: Trường Đại học Phenikaa)

Chương trình đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn bao gồm 4 khối kiến thức chính: Giáo dục đại cương, Kiến thức bổ trợ, Giáo dục chuyên nghiệp và Khối học phần tốt nghiệp, bảo đảm đáp ứng chuẩn đầu ra và mục tiêu đào tạo.

Về khối lượng học tập, dự thảo xác định rõ khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Cụ thể, với chương trình đào tạo cử nhân hệ “chuẩn”: tối thiểu 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành. Tối thiểu 30 tín chỉ khối kiến thức Toán và Khoa học cơ bản, tối thiểu 60 tín chỉ khối Giáo dục chuyên nghiệp, trong đó có khối kiến thức kỹ thuật phù hợp với chương trình đào tạo, đồng thời sử dụng các công cụ, kỹ thuật hiện đại. Thời lượng thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tối thiểu bằng 25% tổng số tín chỉ khối Giáo dục chuyên nghiệp.

Với chương trình đào tạo kỹ sư hệ “chuẩn”: tối thiểu 150 tín chỉ và đáp ứng tối thiểu các yêu cầu của chương trình đào tạo cử nhân hệ chuẩn, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ cử nhân thuộc cùng nhóm ngành.

Với chương trình đào tạo hệ “tài năng”, khối lượng các học phần tăng cường, nâng cao về kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong chương trình đào tạo hệ tài năng nhiều hơn tối thiểu 20% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo hệ “chuẩn”. Người học thuộc hệ “tài năng” cần phải thực hiện khóa luận/đồ án tốt nghiệp với yêu cầu đầu ra cao hơn chương trình chuẩn theo định hướng chuyên sâu hoặc nghiên cứu. Ngoài ra, người học phải tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập thực tế tại doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo

Tại Tọa đàm, đại diện các trường đại học cũng như các doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học.

img-2390.jpg
img-2403.jpg
Các đại biểu đưa ra ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học

Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, đối với lĩnh vực bán dẫn rất cần có chương trình tài năng. Tuy nhiên, việc quy định khối lượng các học phần tăng cường, nâng cao về kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong chương trình đào tạo hệ tài năng nhiều hơn tối thiểu 20% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo hệ “chuẩn” sẽ có thể khiến người học thấy nản. GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất cần để sinh viên có thể liên thông cả 2 chương trình, các bạn giỏi có thể chuyển vào chương trình tài năng, ngược lại các bạn ở chương trình tài năng nhưng không đủ sức tiếp tục theo có thể liên thông chuyển ngược về chương trình chuẩn.

Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cũng đề xuất cần có những nguồn lực, nhất là từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ học phí, học bổng, từ đó mới có thể tuyển chọn được những sinh viên giỏi và đủ sức về mặt tài chính để đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD-ĐT cũng như các chuyên gia trong xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, khẳng định đây là bước tiến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Để hoàn thiện chương trình, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh đề xuất tăng tỷ lệ thực hành lên 40-50% tổng khối lượng chương trình, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thiết kế và sản xuất thực tế.

PGS.TS Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ đồng tình với việc chỉ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo này ở mức độ nền tảng, trên cơ sở thế mạnh cũng như định hướng phát triển của từng trường, các trường sẽ phát triển dựa trên nền tảng đó. Ngoài ra, PGS.TS Ngạc An Bang cũng cho rằng Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn nên gửi dự thảo này đến từng doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, lấy ý kiến rộng rãi, chi tiết nhất có thể.

GS.TS Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã nhìn nhận việc xây dựng chương trình đào tạo ngoài tính đặc thù cần có tính hội nhập, để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên. Do đó, cần nâng chuẩn ngoại ngữ để đảm bảo tính hội nhập. Cũng theo ông, vi mạch bán dẫn không phải ngành mới nhưng trước đây việc đào tạo chỉ mang tính nhỏ lẻ. GS.TS Nguyễn Hiếu Minh đề xuất nên hình thành một liên minh giữa các trường đại học để chia sẻ kiến thức nền tảng, định hướng, giáo trình tài liệu,... dựa trên những thế mạnh của các trường. Điều này sẽ giúp sớm làm cho hệ thống đào tạo bán dẫn mang tính đa dạng, có thể phát triển nhanh.

img-2418.jpg
Đại biểu tham dự Tọa đàm

Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT bày tỏ mong muốn các cơ sở đào tạo cùng đồng lòng để xây dựng nền công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam. Bởi nếu các trường, các thầy cô không quyết tâm sẽ rất khó để thu hút được người giỏi tham gia vào lĩnh vực này - khi đây là lĩnh vực đặc thù, yêu cầu người học phải có nền tảng kiến thức nhất định.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cũng nhất trí cao với những kiến nghị về tăng cường thời lượng thực hành thực tập và phát triển cơ sở vật chất, cũng như các giải pháp về hình thành liên minh giữa các trường, liên minh các tổ chức doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, tăng cường thời gian thực hành thực tập của sinh viên. Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương có những cơ chế nhằm tăng cường sự tham gia sâu hơn của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

Giáo dục

Ủng hộ thành lập “Trường học Nga” tại Việt Nam
Giáo dục

Ủng hộ thành lập “Trường học Nga” tại Việt Nam

Trao đổi về dự án xây dựng “Trường học Nga” tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ sự ủng hộ việc thành lập cơ sở giáo dục theo các chương trình của Nga tại Việt Nam do Chính phủ Nga đầu tư, là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Quảng Trị: Cử giáo viên sang Lào giảng dạy cho học sinh người Việt
Giáo dục

Quảng Trị: Cử giáo viên sang Lào giảng dạy cho học sinh người Việt

Hiện Sở GD-ĐT Quảng Trị đang tích cực phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương có liên quan để hoàn tất hồ sơ đưa 4 giáo viên (gồm 2 giáo viên mầm non, 2 giáo viên tiểu học) sang giảng dạy tiếng Việt và một số môn văn hóa cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trong đó có Trường THPT Hữu Nghị Lào - Việt.

Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng Phòng thực hành ngân hàng và Sân thanh niên
Giáo dục

PVcomBank đồng hành cùng Trường Đại học Điện lực

Ngày 14.1, tại Trường Đại học Điện lực diễn ra Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng Phòng thực hành ngân hàng và Sân thanh niên, được tài trợ bởi Ngân hàng PVcomBank. Đây là sự kiện rất ý nghĩa trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.