Nhiều trường học tổ chức hoạt động đón Tết ý nghĩa cho học sinh
Tuần qua là tuần học cuối cùng của học sinh trước khi được nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Dịp này nhiều trường đã tổ chức nhiều chương trình Tết Sum vầy, Xuân yêu thương, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm những hoạt động ngày Tết truyền thống của người Việt.
Trường Đại học Hà Nội kết nối sinh viên quốc tế với nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt Nam
Chương trình "Tết Việt 2025" của Trường Đại học Hà Nội đã mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho các sinh viên quốc tế đang theo học tại trường, qua đó giúp sinh viên hiểu rõ hơn về văn hóa và đời sống người Việt.
Đây là hoạt động thường niên của Trường Đại học Hà Nội, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế đang học tập tại trường khám phá nét đẹp của Tết Nguyên Đán - một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của Việt Nam.
Không chỉ giúp các lưu học sinh mở rộng kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, "Tết Việt 2025" còn giúp các em tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam.
"Tết Việt 2025" được tổ chức với nhiều hoạt động lễ hội phong phú. Sinh viên rất thích thú tham dự chương trình đố vui có thưởng với những câu hỏi về phong tục đón Tết quen thuộc của người Việt như: lễ cúng ông Công ông Táo, phong tục chọn và bày mâm ngũ quả, truyền thống gói bánh chưng, phong tục xông đất đầu năm, phong tục lì xì, phong tục đi lễ chùa đầu năm mới...
Rộn ràng chương trình Xuân yêu thương của thầy và trò Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa
Ngày 23.1 Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) đã tổ chức "Chương trình Xuân yêu thương 2025" với chủ đề Mùa xuân đất nước - ba miền tết vui.
Đây là chủ đề mang đậm màu sắc mùa xuân, và phản ánh thông điệp sâu sắc về sự đoàn kết, phát triển và hạnh phúc của Đất nước chúng ta, nơi ba miền đất nước, dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, đều chung lòng đón Tết trong sự bình an và phát triển
Phát biểu tại chương trình, cô giáo Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ: Lễ hội Xuân Yêu Thương 2025 hôm nay là một sự kiện không chỉ để vui chơi, mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau trong không khí Tết Việt đầy tự hào về văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là cơ hội để nhìn về tương lai, với niềm tin Đất nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ và phồn vinh hơn.
Sau phần Lễ, "Chương trình Xuân yêu thương 2025" với chủ đề Mùa xuân đất nước - ba miền tết vui của Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa được khuấy động bằng màn biểu diễn thời trang du xuân 3 miền tới từ học sinh các khối 10-11-12 của nhà trường
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm thi Đánh giá tư duy
Ngày 24.1, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm thi Đánh giá tư duy đợt một năm 2025.
Kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) đợt 1 năm 2025 được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức trong 2 kíp thi, chiều Thứ 7 (18.1.2025) và sáng Chủ Nhật (19.1.2025) với gần 14.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Kỳ thi được tổ chức cùng thời gian tại 31 điểm thi, trong đó 18 điểm thi tại khu vực Hà Nội và 13 điểm thi ở các địa phương gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng. Đợt thi đã diễn ra thành công tốt đẹp với tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%. Công tác chấm thi đã được triển khai khẩn trương ngay sau đó.
Điểm cao nhất của đợt 1 năm 2025 là 98,61/100. Đây là điểm cao nhất từ trước tới nay, phá kỷ lục thủ khoa hiện tại. Thủ khoa của của đợt 1 năm 2025 đến từ Trường THPT chuyên Bắc Ninh.
Có 5 thí sinh đạt trên 90 điểm; 65 thí sinh đạt trên 80 điểm; 637 thí sinh đạt trên 70 điểm. Điểm trung bình của đợt 1 năm 2025 là 54.54/100.
Thủ tướng bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng
Ngày 24.1 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 226/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Phạm Ngọc Thưởng giữ chức Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
Ông Phạm Ngọc Thưởng sinh năm 1968, là Tiến sĩ Ngữ văn. Năm 2020 ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước đó ông là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Trên cương vị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Phạm Ngọc Thưởng đã kinh qua phụ trách nhiều mảng, lĩnh vực của ngành. Hiện ông đang phụ trách các lĩnh vực: kế hoạch - tài chính, cơ sở vật chất, thanh tra, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia và quốc tế, phân luồng và hướng nghiệp học sinh, chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đề án Ngoại ngữ quốc gia.
Ông Phạm Ngọc Thưởng được biết đến là người thấu hiểu, tâm huyết với giáo dục; sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các công việc, mang lại hiệu quả. Ông là người tiếp nối trực tiếp chỉ đạo đổi mới giáo dục phổ thông - triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội và hiện đang tích cực chỉ đạo tổ chức kỳ thi đầu tiên theo phương án đổi mới; tham mưu, chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo - hành lang pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo…
Hà Nội: Giáo viên nhận thưởng theo Nghị định 73 sau tết Âm lịch
Ngày 24.1, Sở GD-ĐT thông tin, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất hỗ trợ tiền thưởng cho giáo viên theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP. Dự kiến, các thầy giáo, cô giáo sẽ được nhận thưởng sau khi HĐND thành phố họp và thông qua Nghị quyết.
Theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ, từ ngày 1.7.2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có chế độ tiền thưởng căn cứ vào thành tích công tác và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Quỹ tiền thưởng hàng năm được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương. Đây là lần đầu tiên, cán bộ, công chức, viên chức có khoản này.
Như vậy với thông tin này, Những giáo viên này thuộc 2 nhóm, một là nhóm hơn 120 trường THPT được xếp vào diện "tự chủ thường xuyên", thuộc quản lý của Sở GD-ĐT.
Nhóm hai là nhiều trường từ mầm non đến THCS được chọn thí điểm "đặt hàng dịch vụ giáo dục", thuộc quản lý của 30 quận, huyện , Sau Tết Âm lịch số hơn 500 giáo viên này sẽ được nhận thưởng theo Nghị định 73.
Tuyên Quang: hơn 30 học sinh nhập viện do buồn nôn, chóng mặt vì uống nhầm thuốc chuột
Ngày 21.1, 33 học sinh trường Tiểu học Phú Lâm, phường Mỹ Lâm, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang phải nhập viện khẩn cấp khi có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, co giật nghi do ngộ độc khi uống những chai nước lạ nhặt ngoài cổng trường.
Qua thăm khám, có 4 học sinh có biểu hiện mệt, đau bụng và buồn nôn. Theo đề nghị của gia đình, bệnh viện chủ động liên hệ và chuyển 28 học sinh đến Bệnh viện Bạch Mai để khám, xét nghiệm tìm độc chất (nếu có).
Theo phụ huynh và học sinh phản ánh, trước đó nhiều học sinh đã nhặt được một số lọ dung dịch nước màu hồng trong ống nhựa cạnh cổng trường sau đó chia cho các bạn cùng uống (không rõ bao nhiêu học sinh).
Theo hình ảnh phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân nhận được và đối chiếu với một số chủ cửa hàng bán đồ gia dụng, tạp hoá, loại dung dịch trong ảnh khá giống với thuốc diệt chuột đang bán tràn lan trên thị trường. Lọ này nhỏ, dung dịch bên trong có màu đỏ/hồng bắt mắt giống với một số loại siro, nước ngọt hay bán ngoài cổng trường.
Ngày 24.1, cập nhật thông tin từ Bạch viện Bạch Mai, một số trẻ trong vụ ngộ độc thuốc diệt chuột ở Tuyên Quang có tổn thương não trên phim cộng hưởng từ, một số cháu có dấu hiệu ảnh hưởng chức năng tim.
Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, BS.TS.Nguyễn Trung Nguyên cho biết, qua các đặc điểm ống chất lỏng màu đỏ, đặc điểm triệu chứng của các cháu và kết quả xét nghiệm độc chất đã có cho thấy đây là vụ ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide. Ngoài ra các bác sỹ rất thận trọng theo dõi, đánh giá xem có các chất khác gây ngộ độc đồng thời không vì cháu đầu tiên phát hiện ra túi chứa hóa chất diệt chuột thấy có cả ống màu xanh.
Fluoroacetate/fluoroacetamide là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường ở các dạng: Ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, dung dịch không màu, màu nâu, hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có thì hoàn toàn là chữ Trung Quốc.
Đây là loại hóa chất diệt chuột có độc tính cực cao với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương tim, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ canxi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.
Hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột của những năm 1990 và đầu những năm 2000, tỷ lệ tử vong rất cao. Hóa chất này đã bị cấm ở Việt Nam nhiều năm và quay trở lại vài năm nay dưới dạng bán rong, bán trên mạng, thậm chí có thể một số có thể bán chui một số nơi.
Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh trên 4.000 chỉ tiêu năm 2025, giữ ổn định tổ hợp xét tuyển
Ngày 22.1, Trường Đại học Ngoại thương vừa thông tin về các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức, giữ ổn định các tổ hợp môn xét tuyển như năm 2024.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, bà Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng, Phụ trách phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết năm 2025, Trường Đại học Ngoại thương về cơ bản giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2024.
Nhà trường chỉ điều chỉnh một số chi tiết nhỏ để đảm bảo thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD-ĐT một cách phù hợp.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Ngoại thương năm 2025 là 4.150 chỉ tiêu, bao gồm Trụ sở chính Hà Nội, Cơ sở II - TP. Hồ Chí Minh và Cơ sở Quảng Ninh. Thời gian xét tuyển thực hiện theo quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Theo bà Phạm Thanh Hà, nhà trường vẫn giữ ổn định các tổ hợp môn xét tuyển như năm 2024. Trong trường hợp Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với quy định của Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025.
Về phương thức xét tuyển, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức gồm:
Phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường;
Phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025;
Phương thức xét tuyển sử dụng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế;
Phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tăng gần 1.000 chỉ tiêu, mở 5 ngành học mới năm 2025
Ngày 22.1, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo về phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025.
Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4.995 chỉ tiêu, theo 3 phương thức xét tuyển. Nhà trường mở 5 ngành mới gồm: Công nghệ sinh học, Vật lí học (Vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Theo đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực. Nhà trường đã tăng gần 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2024 (tuyển sinh 4.013 chỉ tiêu).
Về phương thức xét tuyển, năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; Xét tuyển dựa trên điểm thi Đánh giá năng lực - SPT (bài thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức) năm 2025.
Học viện Kỹ thuật quân sự dự kiến tuyển sinh hệ dân sự sau 6 năm tạm dừng
Năm 2025, Học viện Kỹ thuật Quân sự dự kiến mở lại các chương trình đào tạo hệ kỹ sư dân sự sau 6 năm tạm dừng.
Ngày 20.1, Học viện Kỹ thuật quân sự (MTA) cho biết dự kiến năm 2025 sẽ tuyển sinh trở lại hệ dân sự ở 8 ngành, gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Kỹ thuật Điện tử - viễn thông, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật xây dựng.
Đây đều là những ngành trường có thế mạnh đào tạo, chất lượng đã được khẳng định.
Chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành đào tạo hệ kỹ sư dân sự trong năm 2025 sẽ được Học viện Kỹ thuật quân sự công bố sau.
Theo quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Kỹ thuật quân sự là 1 trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước đây, bắt đầu từ năm 2019, các học viện, trường quân đội thuộc Bộ Quốc phòng đã dừng tuyển sinh đào tạo hệ dân sự.
Năm 2024, Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển 540 sinh viên với 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển học sinh giỏi có giải nhất, nhì, ba ở môn toán, lý, hóa, tiếng Anh cấp tỉnh trở lên, hoặc có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT, ACT; xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Năm ngoái điểm chuẩn trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động 25,46 - 27,71 điểm.