Trường Đại học Lâm nghiệp đã trở thành trường đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, hợp tác đối ngoại và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Đến nay, Trường có 4 bậc (THPT, ĐH, ThS, TS), 30 ngành đại học, 12 ngành thạc sĩ, 6 ngành tiến sĩ; quy mô người học trên 12.000 người. Nhiều sản phẩm KHCN của Trường được ứng dụng và phát huy hiệu quả vào quản lý ngành và thực tiễn sản xuất.
Trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng ban hành đề án chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2030 với các mục tiêu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, xây dựng Trường Đại học Lâm nghiệp trở thành trường đại học số, thông minh, hiện đại.
Đầu năm 2024, Nhà trường đã đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo từ xa trực tuyến (Learning Management System) là một giải pháp công nghệ hiện đại để quản lý và triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến. Với khả năng tích hợp các công cụ học tập tiên tiến, LMS cung cấp một nền tảng toàn diện giúp nhà trường quản lý và theo dõi quá trình học tập một cách hiệu quả.
Với đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư và nhà khoa học đầu ngành về lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp đã tiên phong trong chuyển đổi số của ngành, một số ứng dụng chuyển đổi số như: Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp, hệ thống phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng bằng công nghệ AI, hệ thống phát hiện mất rừng suy thoái rừng, hệ thống nhận diện thực vật bằng AI, nền tảng quản lý dữ liệu ngành lâm nghiệp Forestry 4.0, các phần mềm hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông lâm sản…
Forestry 4.0 do Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển là một ứng dụng trên nền tảng di động với mục tiêu tổng hợp và cung cấp dữ liệu về ngành lâm nghiệp đến cộng đồng. Ứng dụng này cung cấp kênh thông tin chỉ đạo từ các cơ quan quản lý đến người dùng quan tâm, cũng như là nơi để mọi người trao đổi, đóng góp thông tin, tài liệu về lĩnh vực lâm nghiệp.
Hệ thống phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng bằng Camera do Trường Đại học Lâm nghiệp thiết kế và phát triển hiện đang hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở các địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Nai, Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Trường Đại học Lâm nghiệp phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp ngày 16.11.2024, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo là động lực cho sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo, trước yêu cầu xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hiện đại, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, suy thoái tài nguyên, môi trường càng đặt lên vai của Trường Đại học Lâm nghiệp sứ mệnh cao cả và ý chí quyết tâm đổi mới. Tôi tin rằng, với bề dày phát triển lâu năm và với những thành tựu đã đạt được, Nhà trường sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới.
Để bắt kịp xu thế thời đại, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc, Phó Thủ tướng chia sẻ với Trường Đại học Lâm nghiệp một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của Nhà trường. Sinh viên tốt nghiệp trường phải là những chuyên gia chất lượng về lâm nghiệp, vừa có kiến thức, nền tàng vững chắc, vừa có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm đa dạng và khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn.
Trường Đại học Lâm nghiệp phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam và ngang tầm khu vực về lĩnh vực lâm nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế.
Dư địa nghiên cứu khoa học của trường rất rộng rãi, rất hấp dẫn, rất thiết yếu, nhất là khi biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan và đã trở thành mối đe dọa không chỉ đối với rừng mà đối với cả hành tinh đang ngày càng trở nên nhỏ bé của chúng ta.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Nhà trường cần nghiên cứu về: biến đổi khí hậu và thích ứng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; nghiên cứu tìm kiếm cho Nhân dân các sinh kế sung túc, thân thiện dưới tán rừng; phát triển công nghệ lâm nghiệp và chế biến lâm sản thế hệ 4.0; nghiên cứu về kinh tế lâm nghiệp và chính sách quản lý tài nguyên rừng gắn với thị trường carbon đang ngày càng hấp dẫn; nghiên cứu về dịch vụ, hệ sinh thái và giá trị phi gỗ của rừng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và AI trong phát triển, bảo vệ rừng.
Ngài Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam: Tự hào hợp tác với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp (1964 - 2024), Ngài Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), tại Việt Nam nhận định: Trường Đại học Lâm nghiệp đã đạt được sáu thập kỷ thành tích xuất sắc trong học thuật, nghiên cứu đột phá và cam kết không ngừng đối với lâm nghiệp bền vững.
Ngày nay, Lâm nghiệp đã vượt qua phạm vi của khoa học hay thực tiễn đơn thuần trong việc trồng rừng, quản lý, sử dụng và chăm sóc rừng và đất rừng để khai thác các nguồn tài nguyên liên quan vì lợi ích của con người và môi trường. Lâm nghiệp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng toàn cầu như phát triển bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái, đổi mới công nghệ…
Trường Đại học Lâm nghiệp đã nắm bắt những thay đổi này, tích hợp các công nghệ tiên tiến vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu của mình.
FAO tự hào về sự hợp tác liên tục và hiệu quả với Trường Đại học Lâm nghiệp. Chúng tôi cùng nhau giải quyết những thách thức nghiêm trọng như mất rừng, suy thoái rừng và biến đổi khí hậu. Thông qua các dự án nghiên cứu chung, các chương trình nâng cao năng lực và phát triển chính sách, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy quản lý rừng bền vững và đảm bảo sức rừng Việt Nam ngày càng phát triển tốt.
Nhìn về tương lai, vai trò của rừng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững sẽ càng trở nên thiết yếu hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng Trường Đại học Lâm nghiệp, dựa trên nền tảng vững chắc và đội ngũ giảng viên tài năng, sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Bằng việc tiếp tục đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ tăng cường vai trò nòng cốt của mình trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp: Nhà trường thực hiện phương châm "Thực tế - Thực chất - Linh hoạt - Hiệu quả"
Trong thời gian tới, Trường Đại học Lâm nghiệp tiếp tục đẩy mạnh định hướng phát triển là trường đại học khởi nghiệp, đa ngành, đa lĩnh vực.
Để trở thành trường đại học khởi nghiệp, nhà trường tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo; Đổi mới quản trị đại học, hoàn thiện việc chuyển đổi số, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và sáng tạo của các đơn vị; đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và các đối tác nước ngoài để tạo các giá trị gia tăng và các sản phẩm độc đáo.
Theo đó, nhà trường thực hiện phương châm: Thực tế - Thực chất - Linh hoạt - Hiệu quả. Phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, phát huy truyền thống và uy tín của nhà trường phát triển toàn diện và bền vững; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn; áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế, tiếp thu chọn lọc những mô hình và kinh nghiệm thành công của các trường đại học danh tiếng trên thế giới; chú trọng nâng cao năng lực thực chất đồng thời định hướng theo các tiêu chí xếp hạng quốc tế.
Tạo sự gắn kết chặt giữa sự phát triển của nhà trường với sự phát triển kinh tế của các tỉnh thành trong cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa sự phát triển của nhà trường với nhu cầu thị trường lao động; gắn kết chặt chẽ giữa sự phát triển của nhà trường với sự phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam và phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các bên liên quan trong và ngoài nước để khẳng định thương hiệu, thúc đẩy Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển chất lượng, tự chủ đại học, học thuật và hội nhập quốc tế.
THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP
60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 19.8.1964 của Hội đồng Chính phủ. Trường đang đào tạo 28 ngành đào tạo bậc đại học, 12 ngành thạc sĩ, 6 ngành tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu là 645 người, với 5 giáo sư, 35 phó giáo sư, 138 tiến sĩ và 397 thạc sĩ.
Trường đã thực hiện 57 đề tài, dự án cấp nhà nước; 342 đề tài cấp bộ và tương đương; 1.104 đề tài cơ sở/cấp trường; được cấp 25 bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ; đạt 4 giải thưởng khoa học công nghệ cấp quốc gia, 135 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia và 5 đề tài đoạt giải thưởng quốc tế.
Đến nay, Trường đang hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức quốc tế, 145 trường đại học và viện nghiên cứu ở 26 quốc gia như: Đức, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển…
Trường Đại học Lâm nghiệp đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Được Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do (năm 1984); Huân chương Hữu nghị (năm 2000); Huân chương It-xa-la (Độc lập) hạng Nhất.