Sau một tháng làm việc khẩn trương, với sự tham gia tích cực, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm theo dõi, giám sát và chia sẻ của đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3. Từ thực tế diễn biến kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan và của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội sau kỳ họp, ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII (từ ngày 21.5 đến ngày 21.6.2012) như sau:
I. KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA KỲ HỌP
1. Về công tác lập pháp
Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp nhìn chung được chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục luật định, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận sôi nổi, dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng và được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu tối đa. Các dự án luật trình thông qua được tổ chức thảo luận tương đối kỹ, lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, thời điểm thông qua phù hợp, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế-xã hội. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động giải trình, tiếp thu những nội dung còn ý kiến khác nhau. Việc Quốc hội ban hành 13 luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã góp phần tạo hành lang pháp lý điều chỉnh kịp thời một số lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 06 dự án luật khác và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh các dự án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
2. Về công tác giám sát
Hoạt động giám sát tiếp tục được cải tiến, đổi mới, chất lượng được nâng lên; việc lựa chọn vấn đề giám sát trúng và đúng với nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Ngoài việc xem xét một số báo cáo theo quy định của pháp luật, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Báo cáo giám sát và các ý kiến phát biểu đã cung cấp nhiều thông tin phong phú, đa chiều; đánh giá sát thực trạng, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị một số giải pháp tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết và cho rằng đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nông dân, được cả hệ thống chính trị quan tâm và tích cực ủng hộ. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc, được cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm. Không khí chất vấn sôi động, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Các vị đại biểu Quốc hội về cơ bản nêu câu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ đã cố gắng làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn; trả lời thẳng thắn, cởi mở với tinh thần cầu thị; nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của mình; đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới. Công tác điều hành phiên chất vấn linh hoạt, dứt khoát, tập trung vào các nội dung trọng tâm. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, ghi nhận những giải pháp quan trọng trong từng lĩnh vực cụ thể và xác định rõ thời hạn mà các thành viên Chính phủ đã cam kết thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đó là cơ sở để đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước gần dân hơn, công khai và minh bạch hơn.
3. Về quyết định các vấn đề quan trọng
Nhìn chung, những nội dung được lựa chọn để trình Quốc hội tại kỳ họp này là thiết thực, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Các báo cáo đã được Chính phủ, các cơ quan hữu quan chuẩn bị tương đối kỹ, cụ thể, tạo cơ sở để đại biểu thảo luận, quyết định.
Với nhiều ý kiến phát biểu có chất lượng, nhiều ý tưởng mới được phân tích thấu đáo, sát thực tế, các vị đại biểu Quốc hội đã ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012; đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách tích cực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012, hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.
Thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu đã thống nhất cao về sự cần thiết phải tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; nhấn mạnh đến tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Đề án cần dự báo những tác động của quá trình tái cơ cấu đến an sinh xã hội, môi trường; tăng cường áp dụng, phát huy có hiệu quả yếu tố khoa học, công nghệ trong quá trình tái cơ cấu để đảm bảo an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, khó tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận nguồn vốn, Quốc hội đã kịp thời xem xét, quyết định một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhận được sự hoan nghênh của các vị đại biểu Quốc hội. Các ý kiến thảo luận đều cho rằng việc tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là yêu cầu khách quan, phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống, nguyện vọng của cử tri. Đề án đã được chuẩn bị khá công phu, có tính khả thi, trên cơ sở thực tiễn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để đề xuất những vấn đề đổi mới nhằm tháo gỡ những bất cập trong hoạt động của Quốc hội. Căn cứ vào kết quả thảo luận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định một số cải tiến, đổi mới liên quan đến từng lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Dư luận đặc biệt đánh giá cao chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và cho rằng nếu thực hiện tốt việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ làm cho Quốc hội, các cơ quan khác của Nhà nước nâng cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
Quốc hội đã tiến hành một cách dân chủ, công khai, đúng pháp luật việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
4. Về cách thức tiến hành kỳ họp và công tác đảm bảo khác
4.1. Chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, sát với diễn biến thực tế, tiết kiệm được thời gian, chi phí, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
4.2. Cách thức tổ chức và tiến hành kỳ họp được đổi mới, cải tiến hợp lý, góp phần quan trọng tạo nên những kết quả tốt đẹp của kỳ họp. Việc tăng thời lượng truyền hình và phát thanh trực tiếp là bước đổi mới quan trọng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, giúp cử tri hiểu rõ về các vấn đề của đất nước và theo dõi, giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.
4.3. Công tác điều hành bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, linh hoạt, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên để phân tích, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Phát biểu kết thúc của Chủ tọa sau mỗi phiên thảo luận tại hội trường ngắn gọn, súc tích và có trọng tâm, góp phần làm rõ được vấn đề mà các đại biểu và cử tri quan tâm.
4.4. Việc thảo luận ở tổ và hội trường diễn ra nghiêm túc, sôi nổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác tổng hợp, tiếp thu, giải trình tương đối kịp thời, đầy đủ theo hướng đổi mới và hiệu quả.
4.5. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp và các cơ quan hữu quan đề cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Các vị đại biểu Quốc hội tham dự đông đủ các phiên họp, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, góp nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng.
4.6. Công tác phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin có sự đổi mới đáng kể thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện để đại biểu chủ động nghiên cứu, tiết kiệm được chi phí và thời gian. Nội dung tài liệu tham khảo phong phú, dễ tiếp cận. Việc tuyên truyền, đưa tin về kỳ họp kịp thời, đúng định hướng, chuyển tải nhiều nội dung quan trọng đến cử tri và nhân dân cả nước.
4.7. Công tác tiếp dân, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật được tổ chức tốt. Việc bố trí ăn, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe cho đại biểu chu đáo, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu yên tâm dự họp.
5. Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 3 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm, đó là:
5.1. Một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ, còn thiếu dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành kèm theo. Chưa có sự thống nhất trình bày tại hội trường các báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội. Số lượng các dự án luật trình nhiều, trong khi một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận của đại biểu. Có nội dung bố trí trong chương trình chưa thật hợp lý, vẫn còn bình quân về mặt thời gian.
5.2. Một số đại biểu nêu câu hỏichất vấn còn dài, chưa rõ ý. Một số Bộ trưởng trả lời chất vấn còn lúng túng, có lúc chưa đúng trọng tâm. Việc nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về nhiều vấn đề trong một lượt hỏi đối với một bộ trưởng gây khó khăn cho việc theo dõi của người trả lời chất vấn và cử tri, nhân dân cả nước.
5.3. Một số ý kiến thảo luận còn dài, trùng lặp, nói lại những nội dung trong tài liệu, tính tranh luận vẫn còn mức độ. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường kịp thời, nhưng báo cáo tổng hợp vẫn chưa thể hiện được hết ý của đại biểu; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chưa thật đầy đủ các vấn đề, có điểm chưa hợp lý, thuyết phục. Việc gửi phiếu xin ý kiến về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau đối với một số nội dung còn chậm, không đủ thời gian để các đại biểu nghiên cứu trước khi quyết định.
5.4. Việc cung cấp tài liệu đến đại biểu có lúc còn chậm; việc phân công, phân nhiệm và cách thức tổ chức cung cấp thông tin còn hạn chế, vướng mắc. Việc đưa tin có nội dung chưa sát ý kiến của đại biểu. Điều kiện phục vụ, cơ sở vật chất, kỹ thuật và một số công tác bảo đảm khác còn có những hạn chế nhất định…
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN QUAN TÂM CHỈ ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cần được khẩn trương triển khai ngay sau khi có hiệu lực. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.
2. Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Hội nghị trực tuyến để cho ý kiến về một số dự án luật và các nội dung quan trọng khác trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Chỉ đưa vào chương trình kỳ họp thứ 4 những nội dung đã được chuẩn bị chu đáo, đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục. Duy trì thảo luận tổ ở mức hợp lý và tổng hợp đầy đủ, giải trình thuyết phục, bảo đảm sự gắn kết với thảo luận ở hội trường. Nghiên cứu tiếp tục giảm hợp lý thời gian đọc tài liệu ở hội trường; tạo cơ chế, động lực để tăng cường trách nhiệm trong việc tự nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cần chỉ đạo sát sao hơn việc chuẩn bị nội dung kỳ họp, bảo đảm gửi tài liệu sớm và đúng quy định.
3. Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội có kế hoạch theo dõi chặt chẽ, sát sao việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực đã giám sát.
4. Cung cấp văn bản giấy theo đăng ký của đại biểu Quốc hội. Thực hiện việc gửi tài liệu đến hộp thư điện tử của đại biểu; hoàn thiện phần mềm ứng dụng để khắc phục những hạn chế khi gửi tài liệu qua hệ thống E-Office; khắc phục những bất cập về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm khác.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội và của cử tri; đồng thời đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình để phục vụ tốt hơn các kỳ họp sau của Quốc hội.
Trên đây là một số nội dung chủ yếu về kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
TÒNG THỊ PHÓNG