Các trung tâm bỏ phiếu mở cửa dần trên toàn quốc vào lúc 8 giờ sáng ngày 15.3 theo giờ mỗi địa phương. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong ba ngày từ ngày 15 đến ngày 17.3.
Năm nay có bốn ứng cử viên cạnh tranh để trở thành ông chủ Điện Kremlin trong nhiệm kỳ 6 năm. Đương kim Tổng thống Nga Putin tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Đối thủ của ông là người đứng đầu Đảng Dân chủ tự do (LDPR) cánh hữu Leonid Slutsky, ứng cử viên Đảng Cộng sản Nikolay Kharitonov và ông Vladislav Davankov, đại diện cho những người theo chủ nghĩa Tự do tân nhân dân.
Đây sẽ là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Nga sau lần cải cách hiến pháp năm 2020, trong đó thiết lập giới hạn 2 nhiệm kỳ 6 năm cho bất kỳ người nào giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia.
Sự thay đổi này cũng đồng nghĩa các nhiệm kỳ trước của ông Putin sẽ không tính là ông đã giữ chức vụ, và ông hoàn toàn có đủ điều kiện tái tranh cử thêm hai lần.
Ngoài bỏ phiếu trực tiếp, cử tri của khoảng 28 khu vực có thể bỏ phiếu trực tuyến thông qua hệ thống bỏ phiếu điện tử của đất nước. Để tham gia bỏ phiếu trực tuyến, cử tri phải gửi yêu cầu đặc biệt thông qua nền tảng kỹ thuật số của chính phủ Nga là Gosuslugi trước ngày 11.3. Tuy vậy, cử tri từ Moscow được miễn điều kiện tiên quyết này và có thể bỏ phiếu trực tuyến một cách tự do.
Cuộc bầu cử dự kiến có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao, khoảng 71%, theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến công chúng Nga (VTSIOM).
Số liệu chính thức cho thấy việc bỏ phiếu sớm đã diễn ra ở một số vùng xa xôi của Nga, với khoảng 2 triệu người đã bỏ phiếu.
Những người Nga sinh sống ở nước ngoài hoặc đang đi du lịch vào thời gian bỏ phiếu sẽ đến bầu cử tại các địa điểm do Đại sứ quán Nga tại nước sở tại tổ chức. Các cử tri Nga ở Việt Nam dự kiến sẽ bỏ phiếu tại Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, Tổng lãnh sự quán Nga ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng như nhà của các chuyên gia Vietsopetro ở Vũng Tàu.