Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long LÊ THỊ THÚY KIỀU: Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đổi mới hoạt động
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND hết sức cần thiết, góp phần kịp thời chuẩn hóa và đồng bộ một trong những chức năng quan trọng của cơ quan dân cử đó là giám sát. Nghị quyết được ban hành trong thời điểm “đã chín muồi” như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không chỉ là bước cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp nói chung và hoạt động giám sát nói riêng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan... mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử các cấp.
Qua nghiên cứu Nghị quyết, có thể thấy, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bao quát, toàn diện các mặt trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Nguyên tắc hoạt động giám sát của HĐND được xác định hết sức rõ ràng là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước...
Từ góc độ cơ quan dân cử địa phương, chúng tôi rất tâm đắc đối với nghị quyết này, nhất là nội dung tại Điều 27 quy định HĐND xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Thực tiễn giám sát cho thấy, vẫn còn không ít hạn chế. Mặc dù, HĐND đã theo dõi, đôn đốc song quá trình thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát mới đạt hiệu quả nhất định. Do đó, khi được trình, được báo cáo trước kỳ họp HĐND và được HĐND ban hành riêng một nghị quyết hoặc kết luận thì đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, kể cả đại biểu HĐND phát huy rõ nét vai trò, trách nhiệm trong hoạt động giám sát.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nam Định BÙI TRUNG KIÊN: Số hóa hoạt động giám sát của HĐND hết sức cần thiết
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Với những quy định đầy đủ, chi tiết, Nghị quyết này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND các cấp.
Qua nghiên cứu nội dung Nghị quyết, tôi đánh giá cao nội dung “Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng CNTT, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan có liên quan” tại Điều 29. Thực tế, thời gian qua, cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, HĐND tỉnh Nam Định đã trang bị máy tính bảng cho các đại biểu; triển khai kỳ họp không giấy tờ, ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động của HĐND...
Có thể khẳng định, ứng dụng CNTT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, nhất là tiết kiệm chi phí, giúp các đại biểu dễ dàng hơn trong nghiên cứu, lưu trữ tài liệu và giảm tải cho công tác chuẩn bị kỳ họp. Với quy định tại Điều 29, HĐND các tỉnh, thành phố sẽ có thêm căn cứ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Trong thời gian tới, HĐND các cấp tỉnh Nam Định sẽ chủ động cập nhật, nghiên cứu, bám sát các nội dung tại nghị quyết này để triển khai các chương trình giám sát.
Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Ninh Thuận TÔ NGỌC PHƯƠNG: Củng cố niềm tin của Nhân dân với hoạt động của cơ quan dân cử
Với những điều khoản được xây dựng hết sức chi tiết, cụ thể, Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND vừa được ban hành đã bao quát, toàn diện các mặt hoạt động giám sát của HĐND các cấp, góp phần củng cố, tăng niềm tin của Nhân dân với hoạt động của cơ quan dân cử. Tôi cho rằng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tương đối đầy đủ để bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Đây là cơ sở để thực hiện thống nhất quy định về hoạt động giám sát, khắc phục những lúng túng trong thực tiễn hoạt động giám sát thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát.
Tôi đồng tình và đánh giá cao với các nội dung của Nghị quyết, đặc biệt là nội dung được quy định tại Điều 28 về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Việc quy định sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát rất hợp lý, bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND công khai, minh bạch, để Nhân nhân, cử tri theo dõi, giám sát. Thực hiện tốt quy định này sẽ góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân với hoạt động của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tại địa phương.