Chủ tịch Hạ viện lâm thời - một người chừng mực
Hạ nghị sĩ Patrick McHenry bất ngờ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hạ viện lâm thời sau khi ông Kevin McCarthy bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ. 47 tuổi, ông McHenry lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện năm 2004. Sau đó ông được chọn làm Phó Chánh văn phòng đảng Cộng hòa tại Hạ viện năm 2015 và giữ chức vụ này cho đến năm 2019. Tháng 1 năm nay, ông McHenry được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.
Trong gần 20 năm làm dân biểu, ông McHenry đã đảm nhận một vai trò khiêm tốn hơn trong Hạ viện, làm việc ở hậu trường và tạo được danh tiếng nhờ vào sự thông minh và khéo léo của mình. Năm 2017, trong một bài phỏng vấn với tờ News & Observer, ông McHenry nói: “Điều đã thay đổi đối với tôi là tôi sống chậm lại để tôn trọng quy trình và tôn trọng những người mà tôi đã phục vụ”.
Thực vậy, kể từ khi đảng viên Đảng Cộng hòa ở Bắc Carolina được chọn làm Chủ tịch Hạ viện lâm thời, ông đã sử dụng “chiếc búa quyền lực” một cách cực kỳ cẩn thận. Ông không hề tỏ ra vượt qua giới hạn trong vai trò bất thường của mình. Hàng ngày, một cách đúng phận sự, ông McHenry, với chiếc nơ đặc trưng của mình, tuân theo một chu trình thủ tục tiêu chuẩn: Tuyên bố bắt đầu các phiên họp của Hạ viện, nhận lời cầu nguyện từ giáo sĩ, yêu cầu một nhà lập pháp đọc Lời cam kết trung thành và điều hành các phiên họp. Mặc dù về mặt kỹ thuật, ông McHenry vẫn đang giữ cho Hạ viện hoạt động. Nhưng về bản chất, cơ quan lập pháp này vẫn trong tình trạng tê liệt bởi không có một quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra khi tất cả các nghị sĩ vẫn đang chờ đợi đảng Cộng hòa đạt được sự đồng thuận về việc ai sẽ là Chủ tịch Hạ viện mới tiếp theo.
Tình thế chưa từng có tại Hạ viện
Trong bối cảnh ghế Chủ tịch Hạ viện bị bỏ trống đã sắp bước sang tuần thứ 3 và Đảng Cộng hòa vẫn đang không thể nhất trí đề cử ứng cử viên duy nhất, các nhà lập pháp ngày càng lo lắng. Một số thành viên Đảng Cộng hòa thúc giục cơ quan lập pháp trao thêm quyền hạn cho Chủ tịch Hạ viện lâm thời McHenry để Hạ viện hoạt động trở lại, dù một quyết định như vậy có nghĩa là thiết lập một tiền lệ mới chưa từng có trong lịch sử Quốc hội Mỹ.
Tuần trước, đảng Cộng hòa đã nhóm họp và đề cử lãnh đạo phe đa số Scalise làm ứng cử viên cho ghế Chủ tịch. Nhưng một ngày sau đó, ông Scalise bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng ông sẽ không nhận được đủ số phiếu của toàn bộ đảng viên Cộng hòa, điều sẽ không thể bảo đảm ông có thể hội tụ đủ tối thiểu 217 phiếu để trở thành người kế nhiệm ông McCarthy.
Ông McHenry đã tỏ ra rất kín tiếng và cố gắng làm đúng phận sự của một Chủ tịch Hạ viện lâm thời - đó là dẫn dắt Hạ viện bầu một vị lãnh đạo mới. Và ở trường hợp này, ông đang cố gắng kêu gọi đảng Cộng hòa đoàn kết để đưa ra một ứng cử viên mới. Trong cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa vào tối thứ 12.10, khi Lãnh đạo đa số Steve Scalise rút lui khỏi ghế Chủ tịch Hạ viện, ông McHenry đã nói vui với các nhà lập pháp rằng, ông sẽ nhốt họ trong phòng, cung cấp thức ăn và nước uống cho đến khi họ đoàn kết, nhất trí đề cử một nhà lãnh đạo, Hạ nghị sĩ Marc Molinaro đã kể lại như vậy.
Là một nhà lãnh đạo không qua bầu chọn, ông McHenry đang lèo lái một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang bế tắc; chiến tranh leo thang ở Israel và Palestine và Chính phủ Hoa Kỳ thì đang tiến gần đến nguy cơ đóng cửa. Ông McHenry - nhà lập pháp tại nhiệm gần 20 năm và là đồng minh thân cận của ông McCarthy, đang nỗ lực để vừa xoa dịu những cơn nóng nảy trong cuộc họp của Đảng Cộng hòa, vừa phải đối phó với áp lực ngày càng tăng đòi Mỹ thể hiện sức mạnh toàn cầu của mình.
Ông McHenry được bổ nhiệm vào vai trò Chủ tịch lâm thời như một phần của quy trình thủ tục tại Quốc hội, được thiết lập sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001. Hệ thống này được thiết kế để giữ cho Quốc hội hoạt động trong trường hợp các nhà lãnh đạo và nhà lập pháp gặp bất trắc. Theo quy định, bất kỳ ai khi trở thành Chủ tịch Hạ viện, sẽ phải tự soạn thảo một danh sách những người sẽ kế nhiệm ông nếu có điều gì đó xảy ra, và ông McCarthy đã để tên của ông McHenry đứng đầu danh sách thay thế mình trong trường hợp cần kíp. Kể từ khi được thiết lập cho đến nay, quy định này chưa bao giờ được áp dụng bởi cũng chưa từng có Chủ tịch Hạ viện nào gặp bất trắc.
Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay tại Hạ viện không giống như những gì người ta hình dung - chức Chủ tịch bị bỏ trống không phải do người đứng đầu qua đời hay mất năng lực, mà do sự mất đoàn kết nội bộ khiến mọi hoạt động của Hạ viện gần như tê liệt.
Mở rộng quyền lực - vấn đề gây tranh cãi
“Có một số ý kiến cho rằng, vì nước Mỹ đang ở trong thời điểm cấp bách và Quốc hội cần phải thông qua được gói viện trợ an ninh quốc gia cho Israel, nên bằng cách nào đó chúng ta có thể trao quyền cho McHenry đảm đương những nhiệm vụ mới”, Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho ý kiến.
Ông McCaul đang nỗ lực thúc đẩy một nghị quyết lưỡng đảng bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel. Trong điều kiện bình thường, một nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý như vậy sẽ dễ dàng được trình và thông qua tại Hạ viện. Nhưng hiện tại là tình huống bất thường và ông McCaul đã phải cân nhắc các thủ tục lập pháp phức tạp chỉ để đưa nghị quyết này ra trước Hạ viện bởi theo quy định Chủ tịch lâm thời không có quyền chấp thuận đưa một dự luật ra trước Hạ viện.
Một nhóm các nhà lập pháp Cộng hòa có lập trường trung dung, do Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ohio David Joyce đứng đầu, đang chuẩn bị một nghị quyết rõ ràng để trao cho Chủ tịch Hạ viện lâm thời McHenry một số quyền hạn lớn hơn chẳng hạn như cho phép ông đồng ý đưa dự luật ra bỏ phiếu, điều sẽ giúp thúc đẩy nghị quyết về Israel cũng như giúp giải quyết vấn đề nợ của Chính phủ Mỹ.
Trong khi Hạ nghị sĩ Joyce đang nỗ lực mở rộng quyền hạn của ông McHenry trong thời hạn lên tới 90 ngày, thì vẫn chưa rõ liệu trong thời gian đó, đảng Cộng hòa có thể đoàn kết bên cạnh nhà lãnh đạo tạm thời hay không. Bởi cho đến nay, những thành viên bảo thủ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa không ủng hộ việc trao thêm quyền lực cho ông McHenry. Trong khi đó, các đảng viên đảng Dân chủ lập luận rằng một chủ tịch lâm thời chỉ có nhiệm vụ duy nhất là thúc đẩy Hạ viện bầu ra một Chủ tịch mới. Họ lo ngại việc trao quyền sẽ tạo ra một tiền lệ mới tại Hạ viện mà sau này có thể dễ bị lạm dụng.
Các chuyên gia luật Hiến pháp nói gì?
Bên ngoài Điện Capitol, các chuyên gia về Luật Quốc hội và Luật Hiến pháp cho rằng, Quốc hội có quyền sửa đổi các quy tắc của chính mình, đặc biệt là khi họ đang phải đối mặt với tình huống chưa từng có tiền lệ trong quá khứ. Các quy tắc nội bộ về cơ bản có thể được sửa đổi với sự ủng hộ của đa số thành viên.
Josh Chafetz, giáo sư luật và chính trị tại Trường Luật Georgetown cho biết: “Quốc hội có quyền sửa đổi các quy định về tổ chức và thủ tục khi cần thiết để giúp Quốc hội hoạt động. Quy định được đặt ra là để phù hợp với hoàn cảnh, khi hoàn cảnh thay đổi, quy định cũng có thể thay đổi".
Ý kiến của các chuyên gia Luật Hiến pháp chắc chắn sẽ gây chú ý tại Hạ viện trong bối cảnh các nhà lập pháp ngày càng bồn chồn trước tình trạng bế tắc có nguy cơ kéo dài.