173 di tích, 19 loại hình di sản văn hóa phi vật thể
Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa lâu đời được minh chứng qua một hệ thống di tích phong phú. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 173 di tích được kiểm kê, phân bổ đều trên 19 xã, thị trấn; có 19 loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa, gắn bảo tồn và phát huy các giá trị di tích với phát triển du lịch được quan tâm từ huyện đến cơ sở, nhất là những xã có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Liên, Nam Giang, Nam Anh, Khánh Sơn…
Trong 5 năm 2015 - 2020, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã có hàng chục di tích được trùng tu, tôn tạo, phục hồi với tổng kinh phí đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, chống xuống cấp Lăng Vua Mai, các đình Giáp Đông, Đông Châu, Tán Sơn, Khả Lãm…; bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên, khu lưu niệm Phan Bội Châu (nguồn vốn ngân sách do tỉnh trực tiếp làm chủ đầu tư); xây dựng nhà lưu niệm Lê Hồng Sơn xã Xuân Hòa, đền Hồng Long xã Hồng Long… (nguồn vốn ngân sách do huyện làm chủ đầu tư). Ngoài ra, từ nguồn vốn xã hội hóa do xã làm chủ đầu tư, đã tu bổ chùa Lò (xã Nam Kim), đền Nậm Sơn (xã Vân Diên), đền Trung Chính (xã Nam Lĩnh), nhà thờ Nguyễn Khắc Văn (xã Hồng Long)...
Công tác xếp hạng di tích được quan tâm. Trong 5 năm qua đã lập hồ sơ và được UBND tỉnh công nhận xếp hạng thêm 5 di tích lịch sử cấp tỉnh và nâng hạng 2 lịch sử cấp quốc gia. Đến nay, toàn huyện có 41 di tích được xếp hạng, trong đó 3 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Năm 2021 đã làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn tại xã Xuân Hòa.
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát để đề nghị bổ sung vào danh mục kiểm kê di tích.
Bảo vệ song song với phát huy giá trị di tích
Tuy nhiên, cũng bởi hệ thống di tích dày đặc, trong khi ngân sách hạn chế, nên nhiều di tích tại Nam Đàn xuống cấp nghiêm trọng mà chưa được trùng tu, tôn tạo, trong đó có đình Hoành Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt được xây dựng và hoàn thành năm 1763, nổi tiếng với các chạm khắc trang trí trên gỗ độc đáo…
Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích để không chỉ bảo tồn giá trị di tích mà còn hình thành điểm đến du lịch tham quan đặc sắc trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thành công Đề án xây dựng Nam Đàn thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát trển văn hóa gắn với du lịch.
Các tour du lịch đến Nam Đàn cho thấy điểm đến của du khách chỉ tập trung về thăm quê nội, quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mộ Bà Hoàng Thị Loan (trước dịch Covid-19, mỗi năm Khu di tích Kim Liên đón tiếp 1 - 2 triệu lượt khách/năm, còn hiện nay trung bày 470 đoàn/ngày). Việc khai thác giá trị của các di tích, danh thắng chưa quan tâm đến mảng dịch vụ. Trong khi đó, các điểm tham quan chính không bán vé nên dịch vụ lưu trú và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm là phần quan trọng để tạo nên giá trị gia tăng lớn cho ngành du lịch, cho người dân địa phương thì chưa phát triển.
Qua khảo sát tại một số di tích trên địa bàn huyện, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ ra rằng, Nam Đàn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó có các “địa chỉ đỏ” về lịch sử cách mạng, nhà lưu niệm danh nhân… “Vấn đề là huyện có phương án kéo khách từ các điểm như khu di tích Kim Liên lan tỏa ra các vùng xung quanh” - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Trần Việt Anh gợi ý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, không chỉ trùng tu, tôn tạo, bảo vệ mà còn phải phát huy giá trị di tích để văn hóa gắn với du lịch, văn hóa gắn với giáo dục, văn hóa gắn với kinh tế một cách chặt chẽ. Đây chính là điều kiện để phát triển bền vững.