Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết, thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng để phát triển kinh tế tập thể như: Nghị quyết 20-NQ/TW về kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế.
Đến nay, cả nước có 20.789 HTX nông nghiệp, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2003, trung bình tăng 1.200 HTX mỗi năm. Trong đó có khoảng 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao; gần 4.400 HTX bảo đảm bao tiêu nông sản cho các thành viên. HTX nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy nông nghiệp xanh và giảm phát thải. Các dự án thí điểm như xây dựng vùng nguyên liệu và giảm phát thải đã đạt được những kết quả tích cực.
Đáng chú ý, nhóm Coop.66 - gồm những HTX điển hình - đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra một diễn đàn mạng xã hội giữa các HTX và chuyên gia để kết nối, chia sẻ thông tin. Nhóm này cũng đã hỗ trợ xây dựng và triển khai các HTX nông nghiệp hiệu quả, đồng thời lan truyền và nhân rộng các mô hình này trên cả nước. HTX điển hình đã giúp bà con nông dân, những người tham gia trực tiếp vào sản xuất nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết.
COOP.66 là nền tảng đi đầu dành cho các hợp tác xã ở Việt Nam, tạo điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau thông qua một diễn đàn trao đổi, thảo luận sôi nổi và tính năng quản lý nông nghiệp hiện đại. Nền tảng do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC VN), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (DCRD) triển khai và chủ trì.
COOP.66 giúp theo dõi và quản lý nhiệm vụ hàng ngày một cách hiệu quả; kết nối các hợp tác xã với một mạng lưới rộng lớn của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp; cung cấp cái nhìn tổng quan về hoạt động sản xuất, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất; giúp quản lý tài chính hộ gia đình; cung cấp thông tin cập nhật và đáng tin cậy về các sản phẩm bảo vệ thực vật và giống cây trồng mới nhất; bảo đảm chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng bằng cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
HTX Yến Dương, Bắc Kạn là một trong những thành viên của nhóm Coop.66; bà Ma Thị Ninh, Chủ tịch HTX Yến Dương, cho biết, ban đầu HTX chỉ có 7 thành viên nhưng hiện đã có 30 hộ gia đình tham gia và có sản phẩm xuất khẩu. “Được tham gia Coop.66là bước tiến lớn giúp HTX có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường”, bà Ninh cho biết.
Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, đểnâng caohiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh, các HTX phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Ví dụ, HTX rau quả sạch Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội có 17,8ha trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và 5ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ áp dụng những mô hình tiên tiến, tiếp thu công nghệ, đơn vị đã trở thành một trong những HTX đi đầu trong sản xuất, phân phối rau an toàn tại miền Bắc, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn như: thiếu lực lượng lao động, việc thay đổi nhận thức của người dân thực hiện chưa hiệu quả. Nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số chưa đến với các HTX nông nghiệp…
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: tinh thần hợp tác là yếu tố quan trọng trong HTX để tạo ra không gian và tinh thần mới cho HTX, để tư tưởng HTX trở thành “phản xạ” của nông dân, từ đó giúp tăng giá trị sản xuất lên gấp nhiều lần. Bộ trưởng khuyến khích sự vận động và phát triển của HTX không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế mà còn thay đổi đời sống nông thôn, trở thành thủ lĩnh trong cộng đồng nông thôn và mang lại phúc lợi cho người dân địa phương.