Giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia
Mở đầu Phiên họp, trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã nêu tình hình, kết quả các mặt công tác về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực: an ninh quốc gia; trật tự xã hội; tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước; môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; công nghệ thông tin, mạng viễn thông; và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ tình hình, kết quả chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; và thực hiện những kiến nghị của Ủy ban Tư pháp.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp mới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Công tác phòng ngừa tội phạm được chú trọng hơn, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm đạt được kết quả tích cực; góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước.
Liên quan đến phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh quốc gia, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực để tham mưu và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các địa bàn chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp, Hội nghị cấp cao ASEAN, các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Kịp thời khởi tố điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. An ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát. Tình hình khiếu kiện vẫn còn rất phức tạp.
Liên quan đến phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, Báo cáo nêu rõ, Chính phủ đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tạo bước tiến mạnh, đột phá, chuyển biến rõ rệt; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 của Chính phủ và của các địa phương; nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). Khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp. Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước. Các vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn xảy ra nhiều, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông...
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...
Tiếp tục giám sát tối cao về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, phòng ngừa xã hội ở một số địa phương còn hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra, một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp. Còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, đã ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước trong một số lĩnh vực. Công tác quản lý cư trú, hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do hậu quả của đại dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị. Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Trên cơ sở nêu rõ tình hình, kết quả các mặt công tác, chỉ ra mặt tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Báo cáo của Chính phủ đã nêu những chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; đồng thời đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Một số loại tội phạm gia tăng
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, như Báo cáo của Chính phủ đã nêu, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: chống người thi hành công vụ tăng 14,2% (trong đó chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 280%); gây rối trật tự công cộng tăng 49,2%, giao cấu với trẻ em tăng 17,9%... Công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài cư trú trên địa bàn nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Việc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi ở một số lĩnh vực còn có sơ hở, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch bệnh lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…
Về công tác điều tra xử lý tội phạm, báo cáo thẩm tra chỉ ra trong năm 2020, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2019, một số chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội, như tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 11%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt gần 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp Viện kiểm sát Nhân dân các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019. Còn 17 trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.