Theo ĐBQH Võ Mạnh Sơn, quyền gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật đang là vấn đề được dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Với quan điểm thống nhất việc bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài, đại biểu Sơn lý giải: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã ký kết và tham gia hàng chục hiệp định đa phương và song phương quan trọng, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2023, có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; nguồn lao động này góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh; tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu. Việc dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với bối cảnh, nhu cầu thực tiễn của người lao động nước ngoài tại Việt Nam và bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm sự tương thích đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, việc cho phép người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn là quy định quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ và cũng phù hợp với Công ước quốc tế năm 1996 của Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nêu về quyền gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Đồng thời, góp phần tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam; làm tăng uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, bảo đảm sự công bằng giữa các lao động trong nước và ngoài nước.
Liên quan đến thẩm quyền công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2, Điều 6 dự thảo Luật, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, quy định Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là đang “bỏ sót” một số chủ thể quan trọng khác (cùng cấp) với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đó là các công đoàn ngành trung ương và tương đương trong việc công nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Nghiên cứu hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam, cho thấy: Công đoàn ngành trung ương, công đoàn tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn là công đoàn cấp 2 (tương đương với Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố) thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam, được tổ chức theo ngành, lĩnh vực, là xu hướng phát triển của công đoàn trên thế giới và là một định hướng phát triển của Công đoàn Việt Nam theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Theo quy định của pháp luật lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể thành lập ở doanh nghiệp thuộc hệ thống theo liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hoặc công đoàn ngành trung ương và tương đương quản lý.
Do vậy, đại biểu đề nghị, bổ sung thẩm quyền cho công đoàn ngành trung ương và tương đương trong việc công nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo toàn hệ thống công đoàn, giúp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền lựa chọn công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành và tương đương để gia nhập. Trên thực tế, sẽ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động trong công đoàn ngành; tổ chức này muốn gia nhập Công đoàn Việt Nam trong ngành này, nếu hồ sơ gửi cho liên đoàn lao động tỉnh, thành phố thẩm định, sẽ tước đi quyền thẩm định để có thể cho phép gia nhập của công đoàn ngành. Ngoài ra, nếu chỉ quy định thẩm quyền công nhận cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì có thể dẫn đến quan điểm cho rằng hạn chế quyền gia nhập vào công đoàn ngành của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.