Đây là thông tin được Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ tại tọa đàm Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024, diễn ra chiều 21.3.
Tọa đàm do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), tổ chức. Mục tiêu nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia nắm bắt bức tranh toàn cảnh về yêu cầu chuyển đổi bền vững trong nước và quốc tế, cùng những ảnh hưởng trực diện đến doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng.
Bà Thủy chỉ rõ, hiện, các thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là EU và Mỹ đang áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường, làm chủ và dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất phải dần đáp ứng các yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững.
Xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Trong bối cảnh đó, một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng đến các yếu tố E – môi trường, S – xã hội và G – quản trị doanh nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi sự chung tay của tất cả quốc gia trong việc cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Cùng với đó là khủng hoảng năng lượng thường trực; xung đột địa chính trị, địa kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Trong bối cảnh đó, nếu chậm chân thì rủi ro ngày càng gia tăng, ngược lại, nếu chủ động sẽ nắm bắt được cơ hội.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, số lượng chính sách liên quan đến ESG trên toàn cầu tăng 1,9 lần; riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần, lên 207 chính sách.
Tại Việt Nam, có hai mục tiêu lớn là đến 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao và đến 2050 sẽ đạt Net Zero. Tuy nhiên, xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp do nền kinh tế thâm dụng vốn tự nhiên (đất đai, nước, môi trường) lớn; nội lực doanh nghiệp hạn chế; động lực tăng trưởng dựa trên xuất khẩu gặp nhiều thách thức. Do vậy, phát triển bền vững vừa là áp lực vừa là động lực cho doanh nghiệp.
Cũng theo Giám đốc Văn phòng Ban IV, phát triển xanh, phát triển bền vững không phải là câu chuyện của một sớm một chiều. Việc ứng dụng ESG sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, có doanh nghiệp đặt trọng tâm vào E, doanh nghiệp khác lại lựa chọn S hoặc G.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy lưu ý, giai đoạn này, các doanh nghiệp nên lấy chữ E làm trọng tâm, vì nó đặt doanh nghiệp vào thế “không thể không làm”, còn chữ S và G là giá trị gia tăng và động lực cho doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những khó khăn, thách thức, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong thực hiện ESG cũng như những gợi ý để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn đầu tư từ các quỹ quốc tế.