Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, đại dịch Covid-19 khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Trước thực trạng trên, ngay đầu năm 2022, Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất.
“Đây là kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ, với bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các ĐBQH để thông qua nhiều cơ chế chính sách hết sức kịp thời và cần thiết. Điều đó chứng tỏ Quốc hội đồng hành với Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đã đặt ra; trong đó có chính sách tài khóa, chính tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng (Nghị quyết 43)”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Nghị quyết 43 đến nay vẫn chưa thực sự chưa đi vào cuộc sống. “Tại sao một chính sách đúng đắn như thế, kịp thời như vậy lại chậm triển khai”, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá thật sâu kỹ vấn đề này, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể; từ đó có các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế hồi phục nhanh hơn.
Một chính sách đúng đắn và nhân văn khác cũng chậm đi vào cuộc sống là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Thủ tướng ban hành ban hành cuối tháng 3 vừa qua.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho biết, theo quyết định này, số tiền hỗ trợ để công nhân thuê nhà trọ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỷ đồng. Dự kiến, trên cả nước sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này.
Vậy nhưng sau hơn 2 tháng triển khai, tiến độ giải ngân hỗ trợ vẫn rất chậm. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước chỉ mới phê duyệt gần 10.000 người lao động (tỷ lệ 0,3%) được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với khoảng 33 tỉ đồng (0,0002% trên tổng số tiền hỗ trợ).
Trước thực tế này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội báo cáo thật cụ thể và nêu các giải pháp nào giải quyết, tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Cũng liên quan đến chính sách cho công nhân, người lao động, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ sớm đánh giá một cách toàn diện và cụ thể vấn đề giải quyết nhà ở xã hội để kịp thời tháo gỡ những bất cập để những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công nhân, người lao động được hiện thực hóa; tránh lặp lại câu “triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu” qua sơ kết, tổng kết.
Theo đại biểu, công nhân là một trong những lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng một thực tế là đời sống hàng triệu người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp hết sức khó khăn, vất vả, nhất là vấn đề nhà ở, với diện tích nhà trọ xụp xệ hơn 10 m2 là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Như vậy không thể tái tạo sức lao động để tạo ra của cải cho xã hội.
Hơn nữa, nếu có thể giữ người lao động gắn bó lâu dài với mình thông qua con đường “an cư” thì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn của nước ta trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là khi dịch bệnh qua đi.
“Pháp luật hiện hành đã có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động... Vậy nhưng, hiện tại hầu hết công nhân vẫn phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Các khu công nghiệp mọc lên trên khắp mọi miền đất nước nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân rất ít được quan tâm”, Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phản ánh.
Đề cập tới giải pháp để công nhân, người lao động dễ dàng hơn trong tiếp cận nhà ở xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng các chính sách cần hướng đến việc tăng nguồn cung.
“Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không triển khai được các dự án là do vướng mắc ở khâu thủ tục đầu tư xây dựng. Như vậy, trước mắt, cần giảm các thủ tục hành chính phức tạp để các chủ đầu tư có thể thực hiện nhanh dự án, qua đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội”, ông nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chính phủ có thể nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội phù hợp với thực tế của nước ta để triển khai.
Ví dụ, ở Singapore và Nhật Bản, nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng và quản lý, nên về thực chất đây là nhà của Nhà nước đem cho người dân thuê có thời hạn – thường là rất dài, lên tới 99 năm.
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, ở nước ta có thể xem xét kết hợp theo hướng: nhà ở xã hội thuộc sở hữu của chủ đầu tư, cho thuê theo giá thị trường và nhà nước bù phần chênh lệch giá thuê cho công nhân, người lao động theo các chính sách xã hội của mình hay không?