Những con số báo động
Dinh Tổng thống của ông Gabriel Boric, người từng là thủ lĩnh cuộc biểu tình của sinh viên phản đối bất bình đẳng thu nhập và trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Chile ở tuổi 35 vào năm 2021, nằm trên cùng một con phố ở trung tâm thủ đô Santiago với các khu nhà công cộng cho người vô gia cư. Cảnh tượng những chiếc hộp các tông và chăn chiếu trải dài trên vỉa hè như một lời nhắc nhở sâu sắc rằng, cuộc đấu tranh của ông Boric để thực hiện lời hứa mang lại cho người dân Chile “một cuộc sống tốt đẹp hơn” đang trở nên gian nan hơn bao giờ hết.
Suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 kết hợp với cuộc khủng hoảng nhà ở và làn sóng nhập cư ồ ạt đã làm gia tăng số lượng người vô gia cư ở Chile lên mức chưa từng có trong lịch sử. Trong 4 năm qua, tỷ lệ vô gia cư ở một trong những nền kinh tế giàu có nhất Nam Mỹ đã tăng hơn 30%, làm thay đổi bộ mặt phố xá của một quốc gia từng tự hào về sự thịnh vượng của mình.
Ông Rosario Carvajal, một thành viên Hội đồng thành phố Santiago, cho biết: “Nguồn lực được phân bổ để giải quyết tình trạng vô gia cư đã bị cắt giảm, trong khi số người vô gia cư lại tăng lên”.
Ngay cả ở “barrios altos” (các quận phía Đông Santiago), nơi được gọi là “khu người giàu” và thường tập trung dinh thự của các quan chức, giới tài phiệt, thì giờ đây, những người vô gia cư đang biến ghế công viên nơi đây thành giường và cây cối thành nhà vệ sinh. Ở thành phố ven biển Viña del Mar, những túp lều tạm bợ đã phần nào khiến trung tâm du lịch thời thượng này trở nên nhếch nhác.
Chính phủ Chile cho biết họ đã ghi nhận 21.126 người vô gia cư trong năm nay, so với 15.435 người vào năm 2020. Trong khi đó, các nhà hoạt động xã hội đưa ra con số thực tế vào khoảng 40.000 người.
Tháng trước, Chính phủ Chile cho biết, lần đầu tiên, họ sẽ đưa người vô gia cư vào cuộc điều tra dân số quốc gia. Điều này sẽ giúp phản ánh tốt hơn thực trạng của vấn đề và có thể giúp Chile đánh giá quá trình khắc phục vấn nạn này. Andrés Millar, từ tổ chức từ thiện Hogar de Cristo của Chile, cho biết: “Việc có con số thống kê cụ thể sẽ buộc chính phủ phải thực hiện các chính sách xã hội hiệu quả hơn”.
Tình trạng số người vô gia cư gia tăng ở Chile - một quốc gia được coi là giàu có và ổn định hơn nhiều so với các nước láng giềng, đã đưa vấn đề này trở thành một chủ đề cần đặc biệt quan tâm trong chương trình nghị sự, ông Rosario Carvajal cho biết.
Đại dịch và cuộc khủng hoảng nhà ở
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hệ quả của đại dịch Covid-19. Các lệnh phong tỏa do đại dịch đã khiến nền kinh tế Chile kiệt quệ trong bối cảnh nước này vừa phải vật lộn để phục hồi sau các cuộc biểu tình quần chúng năm 2019, vốn gây thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD, theo ước tính của tổ chức bảo hiểm quốc gia Chile.
Ngoài ra, các chương trình kích thích nhằm hỗ trợ trong đại dịch, bao gồm biện pháp cho phép người Chile rút tiền lương hưu sớm, đã thúc đẩy lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 13% từ năm 2019 đến năm 2020, khiến nhiều người không đủ khả năng trả tiền thuê nhà. Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, các bên cho vay tăng chi phí và cuộc khủng hoảng nhà ở đã bủng nổ. Nhà kinh tế Gonzalo Durán từ SOL Foundation, một tổ chức nghiên cứu của Chile, cho biết giá nhà đã tăng 70% trong thập kỷ qua.
Ông Ximena Torres từ tổ chức từ thiện Hogar de Cristo, cho biết: “Nhiều gia đình đã mất đi nguồn tài chính để trả tiền thuê nhà”.
Trong những năm gần đây, Chile đã chứng kiến sự thay đổi nhân khẩu học trong dân số vô gia cư. Mặc dù con số chính thức cho đến khi cuộc điều tra dân số được công bố vào năm tới, các chuyên gia cho biết tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ của đất nước đã đẩy nhiều phụ nữ và trẻ em ra đường hơn, làm gia tăng tỷ lệ người vô gia cư là phụ nữ và trẻ em.
Số lượng người nhập cư gia tăng
Bên cạnh đó, số lượng người di cư ồ ạt vào Chile gia tăng đột biến sau đại dịch. Những người di cư chủ yếu là công dân của các nước nghèo láng giềng, nhập cư không có giấy tờ tùy thân vào Chile với hy vọng tìm được kế sinh nhai ở nền kinh tế được coi là thành công nhất Nam Mỹ.
Dữ liệu của chính phủ Chile cho thấy, gần 1,6 triệu trong số 19 triệu dân Chile là người di cư có giấy tờ, tăng từ 1,3 triệu người vào năm 2018. Số lượng người di cư không có giấy tờ cũng tăng vọt, từ 16.000 người vào năm 2020 lên con số đáng kinh ngạc là 53.875 người sau hai năm, theo Cơ quan Quan sát di cư có trách nhiệm, một tổ chức giám sát của Chile.
Khi nền kinh tế suy thoái và phản ứng dữ dội của công chúng đối với người di cư gia tăng, Chile đã thắt chặt yêu cầu cấp thị thực đối với người Venezuela, nhóm người di cư lớn nhất vào nước này. Năm ngoái, Tổng thống Boric đã triển khai lực lượng vũ trang đến biên giới phía bắc với Peru, một cửa ngõ di cư quan trọng, để siết chặt kiểm soát người di cư cũng như ngăn chặn nạn buôn người.
Khi cuộc khủng hoảng di cư gia tăng, các nhóm cứu trợ và tổ chức nhân đạo đã tăng cường gây áp lực đối với chính phủ. Họ đã thúc đẩy Chính quyền Chile xây dựng hơn 200 điểm tạm trú cho người vô gia cư trên toàn quốc, chỉ đủ để chứa 13% dân số vô gia cư hiện tại của Chile, theo lời một người thuộc tổ chức nhân đạo địa phương Rodrigo Ibarra Montero.
Khi nhậm chức vào tháng 3.2022, Tổng thống Boric đã cam kết xây dựng 260.000 khu nhà ở xã hội do chính phủ tài trợ trong nhiệm kỳ 4 năm của mình. Nhưng so với nhu cầu thực tế hiện nay, con số đó sẽ không đủ.
“Chúng tôi đang đạt được tiến triển trong khắc phục vấn đề”, ông Boric nhấn mạnh trong bài phát biểu gần đây khi khánh thành một khu nhà ở công cộng mới ở Santiago. “Chúng tôi đang nỗ lực và người dân hãy đưa ra đánh giá vào cuối nhiệm kỳ của chúng tôi”.