Thiệt hại nghiêm trọng do tham nhũng
Phát biểu tại lễ công bố Chiến lược mới, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết: “Khi thực hiện chiến lược này, chúng tôi sẽ cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích các quan chức, công chức và thậm chí cả người dân hợp tác tố giác các hành vi tham nhũng”.
Quy định trên được đưa ra trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng do tham nhũng. Phát biểu tại lễ công bố, Ủy viên trưởng Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) Azam Baki cho biết, thiệt hại do tham nhũng ở Malaysia đã lên đến con số đáng kinh ngạc là 277 tỷ RM (58,4 tỷ USD) trong 5 năm qua. Ông Azam Baki cho biết ước tính trị giá 277 tỷ RM dựa trên tổng sản phẩm quốc nội tích lũy của đất nước từ năm 2018 đến năm 2023. Ông không nêu rõ con số 277 tỷ RM được tính như thế nào. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP hàng năm của Malaysia là khoảng 407 tỷ USD.
Thủ tướng cho biết tất cả số tiền mà thiệt hại do tham nhũng gây ra có thể được sử dụng để cải thiện sinh kế của người dân.
Ông Anwar nói: “Không thể xem nhẹ tai họa tham nhũng. Để thúc đẩy cuộc chiến này, chúng ta cần một lực lượng rất mạnh mẽ, tận tâm và can đảm. Chúng ta cần luật pháp và chuẩn mực nghiêm khắc”.
Khuyến khích bằng biện pháp tài chính
Ông Azam cho biết chiến lược chống tham nhũng quốc gia mới nhấn mạnh đến tính liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các lĩnh vực như chính trị, hành chính công, mua sắm chính phủ, thực thi pháp luật và tư pháp.
Chiến lược mới bao gồm các lĩnh vực chính như: giáo dục, trách nhiệm giải trình trước công chúng, tiếng nói của người dân, việc thực thi và khuyến khích với 60 hạng mục phụ được đặt mục tiêu thực hiện từ năm 2024 đến năm 2028.
Kênh tin tức địa phương TV3 đưa tin vào tháng 3 cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2023, hơn 1 triệu RM đã được Chính phủ hỗ trợ cho các công chức nhà nước để khuyến khích họ tố cáo tội phạm tham nhũng hoặc cung cấp thông tin liên quan.
Theo các hướng dẫn đã được đưa ra, các công chức trình báo hành vi phạm tội sẽ nhận được một khoản khuyến khích tương đương với số tiền họ được đưa hối lộ nếu vụ việc được điều tra, dẫn đến truy tố và kết án. Hiện chưa rõ chính phủ có kế hoạch mở rộng chương trình này tới công chúng như thế nào.
Ông Azam cho biết, chiến lược mới cũng được so sánh với các quốc gia phát triển khác, như chiến lược chống tham nhũng 2017 - 2022 của Vương quốc Anh để bảo đảm tương thích. Ông nói: “Những thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng trong một thế giới không biên giới ngày càng phức tạp khác nhiều so với cách tiếp cận được thực hiện cách đây vài thập kỷ”.
Chiến lược chống tham nhũng quốc gia trước đây của Malaysia, được đưa ra dưới thời chính quyền Mahathir thứ hai và được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023, bao gồm các lĩnh vực tương tự như quản trị chính trị hay mua sắm công, nhưng không có yếu tố liên quan đến công chúng.
Ông Azam cho biết chính phủ đã thực hiện thành công 85/111 sáng kiến trong kế hoạch cũ, tỷ lệ thành công khoảng 77%.
Ông nói thêm: “Nhìn lại việc thực hiện thành công kế hoạch chống tham nhũng quốc gia, năm 2020 được xác định là một yếu tố giúp Malaysia nâng cao danh tiếng trong chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2019”.
Ông Anwar nhấn mạnh rằng tất cả người dân, không chỉ MACC hay chính phủ, đều có trách nhiệm chống tham nhũng và cứu đất nước khỏi thảm họa này.