Đóng góp vào mức tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có một số ngành công nghiệp hỗ trợ với mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,8%...
Những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến: Lai Châu tăng 43,9%; Phú Thọ tăng 40,7%; Bắc Giang tăng 27,7%; Thanh Hóa tăng 19,5% hay Quảng Nam tăng 19,3%. Ngược lại, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm 2024 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là Bạc Liêu tăng 4,9%; Đắk Nông tăng 2,8%; Hà Tĩnh giảm 5,3%; Gia Lai giảm 1,8% hay Quảng Ngãi giảm 1,6%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1.10.2024 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,7% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, số lao động trong ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% so với tháng trước và 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu này cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang trong xu hướng phục hồi so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước do sản xuất ngành công nghiệp nói chung phục hồi chưa toàn diện, nội lực các ngành sản xuất trong nước còn yếu và chịu ảnh hưởng bởi khu vực FDI. Do đó, việc cần làm hiện nay là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; tăng cường các hoạt động giao thương, hợp tác, kết nối với những doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất. Đa số các doanh nghiệp còn lại vẫn sử dụng công nghệ truyền thống hoặc chỉ áp dụng công nghệ ở mức độ thấp, chưa đồng bộ. Nguyên nhân đến từ việc thiếu vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết từ các đơn vị nghiên cứu và phát triển (R&D).
Để vượt qua những thách thức hiện tại, ngoài việc tập trung vào một số giải pháp thiết thực như đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp; cần chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.