Chảy máu chân răng là tình trạng chảy máu ở phần lợi, nướu, thường xuất hiện khi chải răng. Ngoài chảy máu, người bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng như hôi miệng, sưng nướu, …
Chảy máu chân răng có thể cảnh báo bệnh gì?
Theo Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, chảy máu chân răng có thể là triệu chứng của một trong những bệnh lý về răng lợi như: viêm nha chu, viêm nướu, … hoặc cũng có thể là các vấn đề về sức khỏe khác.
– Viêm nha chu: Răng được chống đỡ và giữ trong xương hàm bởi tổ chức xung quanh răng gọi là nha chu. Viêm nha chu thường tiến triển âm thầm và là nguyên nhân khiến răng lung lay, thậm chí là mất răng. Triệu chứng điển hình của bệnh là chảy máu ở chân răng do vôi đóng quanh răng, gây viêm.
– Viêm nướu: Răng được bảo vệ và giữ chắc bởi nướu hay còn gọi là lợi. Viêm nướu thường do không giữ gìn vệ sinh răng miệng, tạo điều kiện để cao răng, mảng bám hình thành và gây viêm. Triệu chứng điển hình của bệnh cũng là chảy máu ở chân răng, sưng nướu, nướu có màu đỏ, hôi miệng.
– Áp xe chân răng: Viêm hốc răng không điều trị, răng vỡ hoặc thủng tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào chân răng, gây ra ổ mủ áp xe. Triệu chứng điển hình của áp xe chân răng cũng là chảy máu chân răng.
Khi người bệnh đau nhức răng lợi liên tục, sốt toàn thân và sưng vùng mặt, đó có thể là biểu hiện nặng của áp xe chân răng.
Các nguyên nhân khác không liên quan đến sức khỏe răng miệng có thể gây chảy máu chân răng:
– Thiếu hụt vitamin, suy dinh dưỡng: Cơ thể bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin khoáng chất như vitamin C, K cũng là nguyên nhân dẫn đến chảy máu ở chân răng. Ngoài triệu chứng này, người bệnh còn có thể bị đau nhức xương, hay buồn ngủ, khó thở (thiếu vitamin C).
– Dùng thuốc làm loãng máu: Thuốc làm loãng máu được chỉ định cho một số bệnh nhân để làm giảm khả năng đông máu có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng.
– Nội tiết tố thay đổi: Ở phái nữ, khi cơ thể bước vào giai đoạn dậy thì, hoặc mang thai, mãn kinh, sử dụng thuốc tránh thai sẽ xảy ra tình trạng thay đổi nội tiết tố và dẫn đến hiện tượng chảy máu ở chân răng.
– Bị sốt xuất huyết: Khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt là ở giai đoạn nghiêm trọng, bệnh có thể gây ra triệu chứng xuất huyết ở da, răng, chảy máu cam,… thậm chí có thể gây xuất huyết ở tiêu hóa, não, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
– Ung thư miệng: Bệnh gây ra các triệu chứng như chảy máu chân răng, hôi miệng, khó nhai hoặc nuốt, sưng hoặc nổi hạch, viêm loét trong khoang miệng…
– Các bệnh khác: Thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư vú… một số bệnh lý khác có thể gây chảy máu ở răng.
Phát hiện chảy máu chân răng cần làm gì?
Trước tiên, khi bị chảy máu chân răng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt khám và kiểm tra, xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.
Ngoài ra có những lưu ý sau:
Thực hành vệ sinh răng miệng tốt
Chảy máu chân răng có thể là một dấu hiệu của vệ sinh răng miệng kém.
Để cải thiện vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần. Vệ sinh răng miệng tốt đặc biệt quan trọng đối với bà bầu. Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ cũng có thể kích hoạt bệnh nướu răng và chảy máu nướu răng.
Súc miệng bằng dung dịch vệ sinh răng miệng riêng
Nước súc miệng có thể tăng cường sức khỏe nướu và cầm máu chân răng. Bạn có thể súc miệng sau khi đánh răng hoặc sau khi ăn.
Ngừng hút thuốc
Ngoài việc tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ, hút thuốc còn có liên quan đến bệnh nướu răng. Trên thực tế, hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh nướu răng nghiêm trọng.
Tăng lượng vitamin C
Ăn thực phẩm giàu vitamin C có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chống lại nhiễm trùng nướu gây chảy máu nướu răng.
Tăng lượng vitamin K
Uống bổ sung vitamin K cũng có thể làm giảm chảy máu nướu răng. Vitamin K là một chất dinh dưỡng quan trọng vì giúp đông máu. Sự thiếu hụt vitamin K có thể gây chảy máu nướu.
Súc miệng bằng nước muối
Vì vi khuẩn và viêm trong miệng gây ra bệnh nướu răng, nên thường xuyên súc miệng bằng hỗn hợp nước muối ấm cũng có thể làm giảm vi khuẩn và cầm máu.
Thêm một nửa muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm và súc miệng trong vài giây, 3-4 lần một ngày.