Cha mẹ có nên kiểm tra, giám sát điện thoại của trẻ?

Giáo sư Andy Phippen cho rằng, khi định giám sát điện thoại của trẻ, cha mẹ cần suy nghĩ xem liệu phương pháp giám sát có giúp con tin tưởng tìm đến cha mẹ khi gặp vấn đề hay không, hay việc đó sẽ chỉ làm trẻ mất niềm tin vào cha mẹ, khi con cho rằng quyền riêng tư của mình đang bị xâm phạm. 

Giáo sư Andy Phippen - chuyên gia nghiên cứu về đạo đức trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Quyền công nghệ số, Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh), người có nhiều công trình nghiên cứu về hành vi, suy nghĩ và sự khác biệt giữa giới trẻ và phụ huynh cho biết, ông đã dành sự nghiệp của mình để nghiên cứu về giới trẻ và internet, với các vấn đề như giới trẻ dùng mạng internet để làm gì, các em nghĩ gì khi dùng internet và quan điểm của các em khác với quan điểm của cha mẹ mình như thế nào.

Giáo sư Andy Phippen thường nhận được câu hỏi từ các bậc phụ huynh về việc sử dụng internet của con họ. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là khi nào nên cho con một chiếc điện thoại di động, cũng như cách dạy con sử dụng điện thoại một cách an toàn.

Con bao nhiêu tuổi thì mới được có chiếc điện thoại đầu tiên?

Theo Giáo sư Andy Phippen, thật tiếc rằng ông không nêu được độ tuổi chính xác để trả lời cho các bậc phụ huynh câu hỏi “Con tôi bao nhiêu tuổi mới được có chiếc điện thoại đầu tiên?”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, điều quan trọng để cân nhắc khi nào trẻ cần có điện thoại riêng là nghĩ xem con bạn sẽ sử dụng điện thoại vào mục đích gì và liệu có phù hợp, cần thiết đối với hoàn cảnh, môi trường sống của con và gia đình bạn hay không?

Theo một báo cáo năm 2023 của cơ quan quản lý truyền thông Ofcom, Vương quốc Anh, 20% trẻ em 3 tuổi đã có điện thoại thông minh riêng. Tuy nhiên, điện thoại này chỉ có một số tính năng hạn chế như sử dụng để chụp ảnh, chơi các trò chơi đơn giản và gọi video dưới sự giám sát của gia đình.

Ông Andy Phippen cho rằng, thay vì hỏi “Con tôi bao nhiêu tuổi mới được có chiếc điện thoại đầu tiên?”, câu hỏi cần quan tâm lớn hơn của cha mẹ là khi nào con bạn được sở hữu một chiếc điện thoại kết nối đầy đủ với internet và đủ các tính năng của điện thoại thông minh để trao đổi trực tuyến với người khác mà không cần sự giám sát của người lớn.

“Khi con bạn còn ở độ tuổi tiểu học, con thường vẫn quen với sự giám sát của người lớn trong hầu hết mọi hoạt động của cuộc sống. Phần lớn các con sẽ ở trường, ở nhà, với bạn bè, người nhà, bảo mẫu hay giúp việc - những người mà cả bố, mẹ và con đều quen biết và tin tưởng. Ở độ tuổi này, nhu cầu liên lạc với một người lớn xa lạ hoặc không quen biết có thể không nhiều, nhưng bạn cần nghĩ xem liệu con có nhu cầu cụ thể nào khác mà phải dùng điện thoại hay không.

Thông thường, quá trình chuyển tiếp từ tiểu học lên trung học cơ sở là khi trẻ em có thể đi xa nhà hơn, tham gia vào các hoạt động ở trường hoặc giao lưu với bạn bè. Điều này thường đồng nghĩa với việc liên lạc với gia đình trở nên quan trọng hơn. Tôi đã nói chuyện với nhiều bạn trẻ, các em cho biết bắt đầu học cấp 2 là thời điểm các em có điện thoại riêng lần đầu tiên”, ông chia sẻ.

Làm thế nào để đảm bảo trẻ em sử dụng điện thoại một cách an toàn?

Giáo sư Andy Phippen nhận định, để đảm bảo trẻ nhỏ sử dụng điện thoại một cách an toàn, điều quan trọng là nếu trẻ lên mạng - dù ở bất kỳ độ tuổi nào và bất kể là dùng loại thiết bị nào để kết nối mạng, phụ huynh cũng phải trò chuyện với con về các biện pháp tự giữ bản thân mình an toàn trên mạng.

Cha mẹ có vai trò trong việc giáo dục con cái và giúp con nhận thức được những mối nguy hiểm trên mạng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên lưu ý với con rằng hầu hết trải nghiệm trên mạng là không có hại và việc giáo dục là để các con nhận biết được nguy hiểm và tự đề phòng.

Giáo sư Andy Phippen đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng với giới trẻ về tác hại của mạng. Là một phần của nghiên cứu này, ông và các đồng nghiệp đã phát triển một số nguồn tài liệu dành cho phụ huynh, với sự giúp đỡ của hơn 1.000 thanh niên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối quan ngại lớn nhất của trẻ là các con muốn biết mình nên liên lạc hay tìm đến ai khi cần giúp đỡ nếu gặp vấn đề trên mạng. Các con muốn cảm thấy an toàn và được nhận sự hỗ trợ, khuyên bảo của phụ huynh thay vì bị mắng mỏ hay tịch thu điện thoại.

“Như vậy, bước quan trọng đầu tiên là trấn an con bạn và bảo con có thể nói chuyện với bạn khi gặp bất kỳ vấn đề nào và bạn sẽ giúp đỡ con mà không phán xét, mắng mỏ. Điều quan trọng nữa là thảo luận với con về những gì chúng có thể và không thể làm với thiết bị của mình. Ví dụ: đặt ra các quy tắc cơ bản về những ứng dụng con được phép cài đặt trên điện thoại hay không được dùng điện thoại trong lúc ăn cơm hay trước khi đi ngủ”, ông Andy Phippen nói.

Đồng thời, chuyên gia này khuyên các bậc phụ huynh cũng nên tìm hiểu về chức năng cài đặt quyền riêng tư cho các ứng dụng mà trẻ sử dụng để đảm bảo rằng người lạ không thể liên lạc với trẻ, hoặc để trẻ truy cập/tiếp cận nội dung không phù hợp.

Cha mẹ có nên kiểm tra điện thoại của con không?

Giáo sư Andy Phippen chia sẻ, đôi khi, các bậc cha mẹ hỏi ông rằng, liệu họ có được quyền kiểm tra, giám sát thiết bị của trẻ hay không. Điều này thường sẽ được thực hiện bằng cách trực tiếp kiểm tra điện thoại của con hoặc bằng cách sử dụng “safetytech” - phần mềm cho phép cha mẹ “ngầm” truy cập, theo dõi thông tin liên lạc trên điện thoại của con mình thông qua các thiết bị của phụ huynh.

Chuyên gia này nhấn mạnh, quan trọng là phụ huynh phải thảo luận điều này với con mình. Sự tin tưởng đảm bảo rằng con bạn sẽ nói với bạn khi có bất kỳ vấn đề gì trên mạng. Vì vậy, nếu muốn giám sát điện thoại của con, cha mẹ hãy nói chuyện với con về điều đó thay vì lén lút thực hiện.

Tuy nhiên, việc cha mẹ kiểm tra, giám sát điện thoại của con có thể coi là hợp lý nếu như con vẫn ở độ tuổi tiểu học. Điều này khá giống như cách cha mẹ sẽ kiểm tra với cha mẹ của trẻ khác trước khi đồng ý cho con sang nhà bạn chơi.

Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn, các con có thể không muốn cha mẹ xem tất cả tin nhắn và tương tác trực tuyến của mình. Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em cũng nêu rõ rằng, trẻ em có quyền riêng tư.

Giáo sư Andy Phippen cho biết thêm ông cũng từng gặp và nói chuyện với một số gia đình có “văn hóa” theo dõi thiết bị của nhau một cách cởi mở và minh bạch. Đây thường là những quyết định cởi mở, nhất quán của riêng những gia đình đó. Tuy nhiên, ông cũng đã được nghe các bạn tuổi teen cho rằng việc mình hay bạn của mình bị bố mẹ theo dõi là rất đáng sợ và căng thẳng.

“Câu hỏi ở đây là liệu cha mẹ có tôn trọng quyền riêng tư và tin tưởng con mình tự biết giữ bản thân an toàn hay không - hay liệu các bậc phụ huynh sẽ “ngầm” theo dõi con mà không cho con biết. Tôi đã có một cuộc trò chuyện đặc biệt đáng nhớ, một phụ huynh nói với tôi rằng bạn của họ vô cùng tức giận vì cô con gái của người bạn này đã thay hẳn điện thoại để không bị bố mẹ theo dõi nữa. Khi tôi hỏi bạn gái bao nhiêu tuổi rồi mà bố mẹ vẫn muốn theo dõi sát sao như vậy, họ nói cô ấy đã 22 tuổi rồi”, ông kể.

Chuyên gia này nhấn mạnh, cha mẹ cần xem xét liệu những công nghệ theo dõi có thực sự mang lại sự yên tâm “giả” hay không. Những công nghệ này có thể cho phép cha mẹ biết con mình ở đâu, nhưng không chắc là con bạn có an toàn hay không.

Khi định giám sát điện thoại của trẻ, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ xem liệu phương pháp giám sát có giúp con tin tưởng tìm đến cha mẹ mình khi gặp vấn đề hay không, hay việc đó sẽ chỉ làm con mất niềm tin vào cha mẹ khi con cho rằng quyền riêng tư của mình đang bị xâm phạm.

Thay vào đó, cha mẹ nên cố gắng có những cuộc trò chuyện cởi mở và tạo môi trường tin cậy giữa phụ huynh và con cái. Điều này sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ được con mình khi sử dụng điện thoại và internet.

Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Cô giáo tâm huyết với nghề
Giáo dục

Cô giáo tâm huyết với nghề

Tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Vũ Thị Vân (SN 1976), Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phương Sơn (Lục Nam) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.