Nuôi dạy trẻ bằng đòn roi có đem lại hiệu quả?

- Thứ Ba, 26/12/2023, 09:12 - Chia sẻ

"Có muốn bị đánh đòn không?" là câu nói cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh qua nhiều thế hệ, cũng như các nền văn hóa khác nhau mỗi khi muốn dạy bảo con cái. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng lời đe dọa bạo lực này sẽ giúp cải thiện hành vi của con họ một cách kỳ diệu.

Việc đánh đòn trẻ có đem lại hiệu quả?

Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em coi việc đánh đập và tất cả hình thức trừng phạt thể chất dù nhẹ, đều là vi phạm quyền trẻ em. Hành vi trên hiện đã bị cấm ở 65 quốc gia.

Tuy nhiên, ở Úc, việc cha mẹ sử dụng “vũ lực hợp lý” để kỷ luật con cái vẫn là hợp pháp. Trẻ em là nhóm đối tượng duy nhất vẫn bị phạt đòn. Khi làm vậy với những cá nhân từ 18 tuổi trở lên sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật vì lý do “hành hung” người khác.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, cứ 4 người Úc thì có một người vẫn nghĩ rằng đánh đòn là cần thiết để “nuôi dạy” trẻ. Nhưng quan niệm và hành vi đó đang dần thay đổi, các thế hệ cha mẹ trẻ thường ít sử dụng đòn roi với con hơn những thế hệ trước.

Đánh đòn là việc sử dụng vũ lực để gây đau đớn, nhưng không gây thương tích, để kỷ luật một đứa trẻ vì hành vi sai trái. Điều này hoàn toàn khác với bạo hành thể chất - là hành vi sử dụng bạo lực ở mức độ cực đoan hơn và mục đích không phải là để kỉ luật, chấn chỉnh hành vi.

Đánh đòn là hình thức sử dụng vũ lực phổ biến nhất đối với trẻ em. Việc này thường được hiểu là hành vi đánh đập, nhưng cũng bao gồm những hành động như véo, tát hoặc sử dụng các loại roi như móc áo, que, gậy hoặc thắt lưng để gây đau đớn cho đứa trẻ.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc đánh đòn thực sự không đem lại hiệu quả và thậm chí có thể khiến hành vi của trẻ trở nên tệ hơn theo thời gian. Đặc biệt, hành vi này có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển nội tâm của trẻ, gia tăng thái độ hung hăng của trẻ trong gia đình và xã hội, làm suy giảm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cũng như sức khỏe tâm thần của con,…

Ngược lại, có rất nhiều cách nuôi dạy con hiệu quả mà không cần tới vũ lực.

Các thế hệ cha mẹ trẻ có xu hướng sử dụng vũ lực ít hơn phụ huynh thế hệ trước

Tại Úc, người ta đã tiến hành một nghiên cứu để đánh giá toàn diện thực trạng đánh đòn và sử dụng vũ lực, xác định xem việc phạt đòn có còn phổ biến hay không và có bao nhiêu người Úc tin rằng cần dùng đòn roi để dạy con mình. Hơn 8.500 người Úc độ tuổi từ 16 - 65 tuổi đã được phỏng vấn trong nghiên cứu này để so sánh hành vi và suy nghĩ của phụ huynh thuộc các nhóm tuổi khác nhau.

Nghiên cứu cho thấy, nhìn chung, 62,5% người Úc trong độ tuổi từ 16 - 65 đã bị đánh đòn ít nhất 4 lần khi còn nhỏ. Trong đó, nam giới bị đánh đòn nhiều hơn nữ giới (66,3% so với 59,1%). Với nhóm người trẻ tuổi, từ 16 - 24 tuổi, tỷ lệ này thấp hơn (58,4%) so với những người lớn tuổi. Tỷ lệ này tuy có xu hướng giảm nhẹ theo thời gian, nhưng vẫn ở mức cao “khó chấp nhận”.

Khoảng 53,7% phụ huynh người Úc được khảo sát cho biết, họ đã từng đánh đòn con cái, khoảng mỗi tháng một lần.

Nuôi dạy trẻ bằng đòn roi có đem lại hiệu quả? -0
Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc đánh đòn thực sự không đem lại hiệu quả và thậm chí có thể khiến hành vi của trẻ trở nên tệ hơn theo thời gian (Hình minh hoạ)

Tuy nhiên, khi so sánh những con số trên với các thế hệ phụ huynh lớn tuổi hơn, có sự khác biệt rõ ràng về tuổi tác. Cụ thể:

64,2% phụ huynh trên 65 tuổi đã từng phạt đòn con cái

32.8% phụ huynh từ 25 - 34 tuổi đã từng phạt đòn con cái

14.4% phụ huynh dưới 24 tuổi đã từng phạt đòn con cái

Điều này cho thấy, các thế hệ cha mẹ trẻ có xu hướng sử dụng vũ lực ít hơn phụ huynh thuộc các thế hệ trước.

Đáng lo ngại là 1/4 (26,4%) người Úc vẫn tin rằng đánh đòn là cần thiết để nuôi dạy con cái đúng cách. Nhưng đại đa số (73,6%) thì không nghĩ vậy.

Trong đó, những người được khảo sát tin rằng đánh đòn là cần thiết chiếm 37,9% người Úc trên 65 tuổi, 22,9% với những người ở độ tuổi 35 - 44 và chỉ 14,8% đối với những người dưới 24 tuổi. Thế hệ phụ huynh trẻ hơn có suy nghĩ khác và thay đổi dần so với thế hệ nhiều tuổi hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy, số lượng người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế xã hội thường sẽ tin rằng việc đánh đòn là cần thiết, nhiều hơn gấp 2 - 3 lần so với các gia đình có hoàn cảnh khác.

Đồng thời, những phụ huynh từng bị đánh đòn khi còn nhỏ cũng thường có xu hướng tin rằng điều đó là cần thiết và sẽ áp dụng hình thức kỷ luật đó với con cái của họ, cho thấy hình thức sử dụng vũ lực này được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Cải cách luật pháp sẽ là hướng tiếp cận hiệu quả nhất để thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng và xã hội. Đáng mừng là người trẻ giờ đây có xu hướng tin rằng không cần dùng đòn roi và ít sử dụng biện pháp này hơn. Điều này cho thấy người Úc có thể đã sẵn sàng để cấm hình thức bạo lực phổ biến này.

Cần sớm thay đổi luật để cấm hành vi đánh đập con cái và bảo vệ quyền của trẻ em. Các hoạt động pháp lý nên được kết hợp với các chiến dịch giáo dục và y tế công cộng để phụ huynh hiểu hơn điều gì cần làm để giáo dục con cái mình.

Đỗ Viết Trí (Theo theconversation.com)
#