Rà soát để tránh chồng chéo giữa các quy định
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, ĐBQH Tạ Đình Thi nhấn mạnh về tầm quan trọng của đất có mặt nước ven biển, đất bãi bồi ven sông, ven biển cũng như hoạt động lấn biển quy định tại dự án Luật. Theo đại biểu, quy định tại khoản 3, Điều 189 về “Việc giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển vào các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp mà không phải lấn biển phải tuân thủ chế độ sử dụng các loại đất theo quy định của Luật này, các quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các luật khác có liên quan” tuy đã trích dẫn đến Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo song không quy định rõ giới hạn hay phạm vi đất có mặt nước ven biển tới đâu. Điều này cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết. Do vậy, sẽ dẫn tới những cách hiểu khác nhau và vướng mắc khi thực hiện, có thể chồng chéo, xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.
"Cần bổ sung rõ quy định “Đất có mặt nước ven biển là vùng đất ngập nước, có nước biển ở phía trên, nằm trong đường triều kiệt trung bình nhiều năm về phía đất liền”, ĐBQH Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Về đất bãi bồi ven sông, ven biển, ĐBQH Tạ Đình Thi cho biết: điểm a, khoản 1, Điều 191 quy định “Đất bãi bồi ven sông, ven biển bao gồm đất bãi sông, đất bãi nổi, cù lao trên sông, đất bãi bồi ven biển và đất bãi nổi, cù lao trên biển”. Theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì bãi nổi, cù lao trên biển là hải đảo. Việc quản lý được quy định tại Chương V của Luật và các nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành. Do vậy, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, rà soát, bổ sung các quy định để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật (các quy định về nguyên tắc quản lý; việc điều tra, thống kê, phân loại; lập, quản lý hồ sơ hải đảo; khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo).
Đối với hoạt động lấn biển, dự thảo Luật đã quy định các quy hoạch sử dụng đất bao gồm diện tích khu vực dự kiến lấn biển. Tuy nhiên, có những trường hợp có khu vực đã được quy hoạch nhưng không được thực hiện hoặc cần thay đổi, điều chỉnh. Trong khi đó, trước khi hoạt động lấn biển được hoàn thành thì diện tích khu vực dự kiến lấn biển vẫn đang là biển, khi quy hoạch vào thành đất thì việc quản lý, sử dụng khu vực biển này sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai hoặc/hay theo các quy định của pháp luật nào.
Cần có quy định bổ sung, đặc thù để xử lý những bất cập
Đáng chú ý, theo ĐBQH Tạ Đình Thi, tại dự thảo Luật chưa có các quy định nguyên tắc về việc điều tra, xác định, đưa diện tích khu vực dự kiến lấn biển vào quy hoạch sử dụng đất. Điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình đề xuất, đưa các khu vực đang là “biển” vào thành đất, thậm chí với diện tích rất lớn. Nếu quy hoạch “treo” thì việc quản lý, khai thác, sử dụng các phần diện tích biển này sẽ gặp nhiều vướng mắc, không phát huy được các lợi thế của biển. Vì vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung các quy định có liên quan để giải quyết vấn đề này.
Về nguyên tắc cho hoạt động lấn biển, ĐBQH Tạ Đình Thi đề nghị, bổ sung quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 190 là: “Phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…”. Đồng thời, hoạt động lấn biển có nhiều nguy cơ tác động đến điều kiện tự nhiên, môi trường. Do đó, cần có các quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu đối với các hoạt động lấn biển. "Cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này trên cơ sở bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc chung trong Luật để bảo đảm khả thi khi thực hiện", ĐBQH Tạ Đình Thi đặt vấn đề.
Đối với Điều 250 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủy sản, theo nội dung của Điều này thì sau khi hết thời hạn của các quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển thì lại quay về giao đất, mà chỗ đó không phải đất mà là biển. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Luật Thủy sản hiện đã quy định hợp lý, thời hạn có thể tăng lên đến 50 năm cũng được nhưng cơ bản nội dung này không liên quan gì đến phạm vi Luật Đất đai.