Cuộc khủng hoảng đầu tiên ở Matignon
Bước chân vào điện Matignon cách đây 2 tuần, Thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Pháp đã ngay lập tức phải đối mặt với thử thách đầu tiên: "sự bất bình của máy kéo” - khi hàng chục nghìn nông dân xuống đường trong hơn một tuần qua, lái xe tải và máy kéo chặn đường ở các tuyến liên tỉnh và cao tốc cửa ngõ vào thủ đô Paris. Sự tức giận xuất phát từ nỗi bất an trước tình trạng quy định và chi phí ngày càng đè nặng trong khi lợi nhuận ngày càng sụt giảm.
Họ cho biết, nông dân Pháp đang phải tuân thủ quá nhiều quy định chồng chéo tạo ra những thủ tục kiểm tra chất lượng rườm rà, phức tạp, “thiếu thực tế”, đặc biệt là các điều khoản chiểu theo tiêu chuẩn của Thỏa thuận Xanh châu Âu - một sáng kiến môi trường buộc các nước thành viên EU phải thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái.
Cùng với đó là những yếu tố như giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận của nhiều nông trang. Đầu năm 2024, hóa đơn tiền điện sẽ tăng 8 - 9% trong khi thuế đối với dầu diesel dự kiến sẽ tăng liên tục theo từng năm. Họ cho biết chỉ kiếm 500 euro/tháng trong khi phải lao động vất vả 60 tiếng mỗi tuần, cùng hàng giờ giải quyết đống giấy tờ thủ tục hành chính về tiêu chuẩn chất lượng khiến họ “không sống nổi với nghề”. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Pháp được cho là chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể, khiến người nông dân cảm thấy như bị bỏ rơi trong các cuộc tranh luận chính trị về hậu quả của lạm phát và khủng hoảng. Ngày 24.1, họ đã đưa ra yêu sách gồm 24 điểm cho Chính phủ và yêu cầu phải được đáp ứng ngay lập tức.
“Sự tức giận có thể hiểu được, nhưng bạo lực thì không”
Sau một cuộc họp Nội các khẩn cấp vào ngày 26.1, Thủ tướng Attal cùng với Bộ trưởng Nông Nghiệp Marc Fesneau và Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Christophe Béchu đã đến một trang trại gia súc ở Montastruc-de-Salies (Haute-Garonne). Tại đây, ông và các tư lệnh ngành đã trò chuyện với khoảng 40 nông dân, trước khi trình bày các biện pháp nhằm xoa dịu nỗi tức giận của họ.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Thủ tướng Gabriel Attal nhấn mạnh: “sự tức giận của quý vị là có lý do, nhưng sử dụng bạo lực thì chưa bao giờ là chính đáng”, trước khi cam kết “sẽ đặt nông nghiệp lên trên hết” và mở ra “một chương mới cho ngành nông nghiệp Pháp”.
Thủ tướng nói: “chúng tôi không phải đến để nói cho nông dân cách thực hiện công việc của họ”, mà đến để “nói về cách chúng tôi sẽ giúp nông dân thực hiện công việc” với ba trụ cột dựa trên: “đạo luật bbảo vệ thu nhập”, “đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho nông dân” và “chuẩn bị cho tương lai nền nông nghiệp”.
10 biện pháp đơn giản hóa thủ tục ngay lập tức
Chính phủ sẽ thực hiện “10 biện pháp đơn giản hóa các thủ tục” thông qua một nghị định được ban hành ngay lập tức. Theo đó, thời gian xét cấp phép hồ chứa nước sẽ giảm xuống còn 2 tháng thay vì 4 tháng và việc giải quyết khiếu nại sẽ được đơn giản hóa bằng cách loại bỏ các cấp hành chính.
Văn phòng Đa dạng sinh học Pháp (OFB), cơ quan công quyền chịu trách nhiệm bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học sẽ được đặt dưới sự giám sát của tỉnh trưởng; và các cuộc họp của cơ quan này sẽ được tổ chức cùng với Chính phủ và nông dân để có thể cùng có các giải pháp hợp lý. Các thủ tục kiểm tra liên quan đến quy định về đa dạng sinh học sẽ không được tiến hành quá một lần một năm. Thủ tướng cũng tuyên bố đơn giản hóa các quy định về hàng rào, giảm xuống còn một quy định thay vì 14.
Dỡ bỏ quy định tăng thuế đối với dầu diesel
Có thể nói, thuế đánh vào dầu diesel dùng cho đường bộ (GNR) là một trong những nguyên nhân chính gây ra nỗi bất bình của nông dân. Bởi dầu diesel là nhiên liệu được sử dụng cho máy kéo nông nghiệp và một số loại máy khác. Mặc dù nông dân có quyền được hoàn trả một phần thuế cùng với VAT nhưng theo quy định mới, con số này sẽ luỹ tiến theo từng năm. Kể từ đầu năm 2024, GNR đã bị đánh thuế ở mức 24,81 cent euro mỗi lít, trong đó nông dân phải trả 6,71 cent mỗi lít. Con số này thể hiện mức tăng 2,85 cent so với năm ngoái. Và mức thuế này dự kiến sẽ tăng dần cho đến năm 2030.
Trước phản ứng mạnh mẽ của nông dân, Thủ tướng Attal đã tuyên bố hủy bỏ việc tăng thuế: “chúng tôi sẽ dừng quỹ đạo tăng thuế”. Một điểm quan trọng khác, khoản giảm thuế đối với GNR này sẽ được khấu trừ khi mua hàng trong những tháng tới. “Đến mùa hè, khi bạn nhận được nhiên liệu, việc khấu trừ sẽ được thực hiện ngay lập tức và Nhà nước sẽ bồi thường khoản khấu trừ cho nhà phân phối.
Viện trợ khẩn cấp 50 triệu euro cho ngành hữu cơ
Thủ tướng Attal đã hứa rằng Chính phủ sẽ viện trợ khẩn cấp 50 triệu euro cho nông sản hữu cơ. Đây cũng là một trong những điểm quan trọng nhất của bản yêu sách gồm 24 điểm mà Nghiệp đoàn ngành nông dân Pháp (FNSEA) đưa ra. Trên thực tế, sau một thập kỷ phát triển mạnh, ngành nông nghiệp hữu cơ (BIO) của Pháp từ một, hai năm nay bất ngờ vấp phải khó khăn chồng chất do nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Theo bộ Nông nghiệp, năm 2023, khoảng gần 3.400 trang trại nông nghiệp hữu cơ (6%) đã phải ngừng hoạt động, con số này nhiều hơn gần 1.000 so với năm 2021.
“Chế tài nặng” đối với công ty không tuân thủ Luật Egalim
Luật Egalim được thiết kế nhằm bảo đảm sự cân bằng trong quan hệ thương mại giữa nhà cung cấp và nhà phân phối, vừa được Quốc hội Pháp thông qua phiên bản sửa đổi mới nhất vào năm ngoái, không được giới nông dân đánh giá cao vì vẫn không bảo vệ được những nhà cung cấp.
Để giải quyết điều đó, trước tiên Chính phủ sẽ áp dụng “ba lệnh trừng phạt nghiêm khắc” đối với các công ty không tôn trọng Luật Egalim. Sau đó, Cục Cạnh tranh, Bảo vệ người tiêu dùng và Chống gian lận thương mại (DGCCRF) sẽ chịu trách nhiệm“tăng cường kiểm soát”, “gây áp lực tối đa trong các cuộc đàm phán” giữa nhà cung cấp và nhà phân phối sản phẩm.
Đơn giản hóa các quy định EU
Gabriel Attal cũng bảo vệ những lợi ích mà Liên minh châu Âu mang lại như Chính sách nông nghiệp chung (CAP), trong đó có khoản viện trợ “9 tỷ euro mỗi năm” cho nông dân Pháp, trước khi thừa nhận rằng nó cần được đơn giản hóa để phù hợp với tình hình của nước Pháp. Ông bảo đảm rằng, Tổng thống Emmanuel Macron “sẽ đề cập tới chủ đề này trong cuộc họp tại Hội đồng châu Âu” sắp tới.
Tăng viện trợ khẩn cấp cho các trang trại gia súc
Vị chủ nhân của điện Matignon cũng tuyên bố sẽ thành lập một quỹ khẩn cấp trị giá 50 triệu euro giúp người chăn nuôi ứng phó rủi ro bệnh tật cho gia súc; tăng tiền bồi thường hỗ trợ các trang trại gặp khó khăn khi đối mặt với bệnh xuất huyết động vật (EMD), một bệnh lý mới ở bò “lên 90% giá trị số bò chết và chi phí thú y”.
Thủ tướng Gabriel Attal cũng xác nhận, Paris sẽ tiếp tục phản đối EU ký thỏa thuận thương mại tự do với nhóm Mercosur, trong bối cảnh nông dân Pháp tố cáo “sự cạnh tranh không lành mạnh” từ các nước Mỹ Latin.
Cần sự đồng lòng
Tuy nhiên, có vẻ như những “liều thuốc giảm đau” này chưa đủ, khi hai hiệp hội nông dân lớn của Pháp là Nghiệp đoàn ngành nông dân (FNSEA) và Hiệp hội Nông dân trẻ (JA) trong một động thái phản hồi đã tuyên bố tiếp tục biểu tình. Cụ thể, từ 14 giờ ngày 29.1 (giờ địa phương), họ sẽ phong tỏa 8 điểm trên các đường cao tốc lớn cách đường vành đai vài ki lô mét hoặc hàng chục ki lô mét, với khẩu hiệu “bao vây” Paris, không giới hạn thời gian. Chủ tịch FNSEA, Arnaud Rousseau khẳng định: “mục tiêu của chúng tôi không phải là gây phiền hà cho người dân, chúng tôi chỉ muốn gây áp lực lên Chính phủ để bảo đảm rằng chúng ta nhanh chóng tìm ra giải pháp cho khủng hoảng”.
“Cuộc biểu tình máy kéo” không phải là vấn đề của riêng nước Pháp mà nhiều nước châu Âu cùng đối mặt. Sẽ cần một giải pháp toàn diện, lâu dài, bền vững để có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Và nếu có thể, các nhà lãnh đạo châu Âu cần ngồi lại với nhau cũng như ngồi lại cùng với nông dân để tìm ra con đường có thể đồng hành với nhau.