Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH: “Điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời cùng với Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo hành lang pháp lý rất cơ bản để hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng được triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Trong đó, Luật Hoạt động giám sát đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là: "giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước". Giám sát của HĐND từng bước đã khẳng định vai trò là “màng lọc” quan trọng để “gạn đục, khơi trong”, tạo tiền đề để có chính sách, quy định mới phù hợp, hiệu quả hơn, khắc phục các hạn chế trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm yêu cầu của đoàn giám sát. Do chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện các kiến nghị sau giám sát, có những sai phạm đã được cảnh báo qua giám sát của HĐND, thế nhưng chỉ dừng lại ở kiến nghị… trên giấy. Có những kiến nghị bị “bỏ lửng”, không được quan tâm giải quyết trong thời gian dài… Đây chính là “điểm nghẽn” trong việc thi hành Luật. Vì vậy, chế tài đủ mạnh cho việc thực thi các kiến nghị sau giám sát là cần thiết và cấp bách. Cần quy định rõ ràng việc sau khi đoàn giám sát gửi kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan có thẩm quyền đó không tiếp thu, giải quyết thì phải chịu hậu quả gì?
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận TRẦN MINH LỰC: Cụ thể hình thức xử lý tương xứng với hành vi vi phạm
Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND các cấp. Việc bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát được quy định tại Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Theo đó, khoản 2 quy định: Nghị quyết về giám sát của HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện; khoản 3 quy định: Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Khoản 3 Điều 24 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người liên quan.
Để áp dụng quy định trên trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, khó thực hiện. Do vậy, cần rà soát quy định cụ thể về chế tài đối với thực hiện kiến nghị sau giám sát các nội dung sau: (1) Quy định cụ thể đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý đối với những trường hợp không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. (2) Quy định cụ thể về hình thức xử lý tương xứng với hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát liên quan đến việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. (3) Quy định cụ thể về nội dung, phạm vi của kết luận giám sát. Kiến nghị sau giám sát phải cụ thể đối với cơ quan, tổ chức và nội dung khắc phục.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương NGUYỄN TRƯỜNG NHẬT PHƯỢNG: Rõ việc dẫn chiếu đến các chế tài trong pháp luật chuyên ngành
Việc ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ cho hoạt động giám sát của HĐND được thực thi quy củ, khoa học, bài bản và hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cộng hưởng với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu đã giúp rất nhiều vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm, bức xúc qua giám sát được tiếp thu, kiên trì xem xét, giải quyết thấu đáo, góp phần khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Dù đã đạt được những kết quả rất tích cực nhưng so với kỳ vọng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 vẫn chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, đặc biệt là chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện kiến nghị sau giám sát. Theo tôi, quan trọng nhất trong hoạt động giám sát là cùng chính quyền giải quyết những vướng mắc, “điểm nghẽn” trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Chế tài chỉ đặt ra khi các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát thiếu trách nhiệm, cố tình không thực hiện. Tuy nhiên, nếu quy định cụ thể các chế tài vào luật giám sát thì có thể dẫn đến chồng chéo, trùng lắp hoặc mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành khác. Do đó, nên quy định rõ việc dẫn chiếu đến các chế tài đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện chưa đến nơi, đến chốn các kiến nghị sau giám sát của HĐND.
Ví dụ như: sẽ áp dụng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Hay trong trường hợp cố tình/tắc trách không thực hiện kiến nghị mà dẫn đến thiệt hại (chẳng hạn như để xảy ra sạt lở, cháy nổ… gây thiệt hại về tài sản, con người) thì sẽ áp dụng quy định pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm hình sự để xử lý.