Phát biểu tại Hội thảo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp TS. Lê Hải Đường cho biết, đây là đề tài khoa học cấp Bộ có tên gọi "Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sửa dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp". Đề tài đã lựa chọn đúng trọng tâm, mang tính thời sự, là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế. Việc hoàn thiện đề tài sẽ góp phần thúc đẩy việc sửa đổi, thực hiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà đầu tư vào doanh nghiệp một cách hiệu quả, bằng việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các doanh nghiệp có môi trường thông thoáng để sản xuất kinh doanh…
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến cũng cho rằng, hiện nay, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn, ví dụ như 12 dự án của ngành Công thương. Việc quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp còn bộ lộ nhiều tồn tại. Chính sách phát triển nhành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của nhà nước…. Thực tiễn đó dẫn đến hệ quả khó xây dựng khuôn khổ quản trị rõ ràng cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước như khu vực tư nhân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh…
“Để khắc phục thực trạng đó, cần cơ cấu lại nguồn lực kinh tế nhà nước đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh theo nguyên tắc: Bảo đảm quy mô đầu tư nhà nước vào kinh doanh hợp lý hơn với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập theo hướng giảm dần, tiến tới rút khỏi các ngành, lĩnh cực kinh doanh cạnh tranh mà các thành phần kinh tế khác có thể thực hiện tốt hơn, hiệu qủa hơn. Tiếp đó, cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư vốn nhà nước theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển của mọi thành phần kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp của nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước…”, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến kiến nghị.
Về vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phạm Đức Trung cho rằng, hiện nay, việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà đầu tư vào doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn vướng mắc trong việc bảo đảm quyền tự chủ của danh nghiệp. Cụ thể, hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta vẫn đang quy định quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu bao gồm nhiều nội dung thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh và công tác điều hành của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Cơ quan nhà nước bên ngoài doanh nghiệp – với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu - phải thực hiện nhiều nhiệm vụ thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động điều hành và quản trị kinh doanh… Do đó, cần có các quy định tách bạch việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước phải tách bạch với quyền quản lý nhà nước. Khung khổ thể chế cần thiết lập mối quan hệ rõ ràng giữa cơ quan chủ sở hữu nhà nước (hoặc cơ quan đầu mối thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước) với người đại diện tại doanh nghiệp và với các cơ quan nhà nước liên quan.
Trưởng Phòng Đầu tư tài chính, Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Trần Anh Dũng chia sẻ, việc xử lý kiến nghị của doanh nghiệp về huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài còn khó khăn, lúng túng, gây khó khăn cho doanh nghiệp… Thời gian tới, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13 nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển một cách thuận lợi.
Xuất phát từ thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tình hình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, nhiều đại biểu, chuyên gia cũng thống nhất rằng, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải vướng mắc do những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, còn thiếu tính đồng bộ, hoàn chỉnh, chưa bao trùm các tình huống thực tiễn nên cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như các bộ ngành vẫn lúng túng và khó tạo sự đồng thuận trong việc xử lý các vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy các đại biểu cho rằng, cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ là vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu và chuyên gia, Chủ nhiệm đề tài khoa học, ThS. Phạm Ngọc Lâm nhấn mạnh, các ý kiến đã nêu rõ một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Đồng thời, đề cập đến những hạn chế cụ thể như năng lực và nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn thiếu đội ngũ nhân lực chuyên môn cao về lĩnh vực quản lý, đầu tư và tài chính; thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện các hoạt động đầu tư, quản lý vốn…
Thêm vào đó, việc xem xét, xử lý, phê duyệt, quyết định, chỉ đạo thực hiện phương án tổ chức lại, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp còn chậm, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn không đáp ứng yêu cầu kế hoạch của Chính phủ. Việc phê duyệt báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp còn chậm so với quy định pháp luật… Những ý kiến đóng góp này sẽ là căn cứ để đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật số 69/2014/QH13.