Bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động
ĐBQH, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sau tác động của đại dịch Covid-19, song, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, các cấp công đoàn đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Công đoàn các cấp đã thường xuyên quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, điều kiện làm việc cho cán bộ, đoàn viên và người lao động. Hoạt động của các cấp công đoàn đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này cần bổ sung một số nội dung sau:
Thứ nhất,đề nghị Quốc hội xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi, hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh/cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và số lượng đoàn viên tăng liên tục gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, có nơi công đoàn không kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động. Nhiều nơi có đông đoàn viên, người lao động nhưng số lượng cán bộ công đoàn được bố trí có tính chất “cào bằng” như địa bàn có ít đoàn viên, người lao động.
Thứ hai, hoạt động công đoàn rất cần đội ngũ cán bộ công đoàn có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, cán bộ công đoàn lại được tuyển dụng như công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. Đề nghị, Quốc hội xem xét, tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở.
Thứ ba, ngoài nhiệm vụ là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong quan hệ lao động, Công đoàn còn là tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các nhiệm vụ của Đảng giao. Đề nghị Quốc hội xem xét, quy định trong Luật Công đoàn thời gian làm nhiệm vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở hợp lý, phù hợp, tránh “cào bằng” như các tổ chức của người lao động khác như quy định trong Bộ luật Lao động.
Thứ tư,theo Quyết định 217 ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về về việc ban hành quy chế giáp sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như theo các quy định của pháp luật hiện hành, công đoàn có quyền chủ trì, thực hiện giám sát đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Trong thực tiễn, công đoàn cũng đang chủ trì, chủ động thực hiện giám sát. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường đặt vấn đề cơ sở pháp lý đâu, quy định ở luật nào? Do vậy, đề nghị Quốc hội quy định rõ ràng hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc.
Quy định chế tài xử lý doanh nghiệp không đóng phí công đoàn
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn cũng chia sẻ, nhìn lại công tác thu kinh phí công đoàn trong những năm qua cho thấy, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức triển khai quyết liệt tập trung đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác quản lý nợ, thu nợ và xử lý nợ kinh phí, đoàn phí công đoàn; kết quả thu kinh phí, đoàn phí công đoàn của các Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố và công đoàn ngành và tương đương đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh trong những năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác thu kinh phí và đoàn phí công đoàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số nợ phải thu kinh phí công đoàn còn cao; nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình tránh né không thực hiện trích và nộp kinh phí công đoàn; thất thu kinh phí công đoàn còn lớn, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, ở các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn hầu như không thực hiện đúng, đủ việc trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến công tác chăm lo cho người lao động.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trên, bên cạnh việc chủ động, tích cực của các cấp công đoàn trong việc đưa ra các giải pháp quản lý nợ, thu nợ và xử lý nợ kinh phí, đoàn phí công đoàn, ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị, trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này cần có quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật. Bởi, kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động.