Nhiều động thái tích cực
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra về chỉ tiêu mảng xanh đến năm 2025 của thành phố sẽ đạt không dưới 0,65m2/đầu người và hướng tới năm 2030 đạt không dưới 1m2/đầu người. Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thêm 150ha công viên công cộng, diện tích sẽ được tăng lên 0,65m2/người và tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng nói chung.
Đại diện Sở Xây dựng cũng cho hay, thành phố cũng sẽ trồng mới 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tăng tỷ lệ phủ xanh và tạo cạnh tranh môi trường xanh - sạch - đẹp giữa các địa phương. Giai đoạn 2024 - 2025, Sở đã đề xuất UBND thành phố đầu tư thêm 9 dự án công viên; ngoài ra dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát hoàn tất sẽ tăng thêm 36ha đất công viên…
Đây là những động thái tích cực nhằm nâng tỷ lệ cây xanh, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng. Đặc biệt, gần đây, nhiều công viên lớn tại TP. Hồ Chí Minh bị “treo” lâu năm đã hồi sinh, trong đó có những công viên đã thành hình trên những khu vực trước đây là nơi tập kết rác... Tuy nhiên, theo số liệu, đến nay thành phố chỉ mới phát triển thêm 21,7ha công viên, cây xanh, đạt khoảng 14,5% so với chỉ tiêu đề ra. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TP. Hồ Chí Minh là thấp nhất trong các đô thị của cả nước với chỉ 0,55m²/người.
Một trong những nguyên nhân là do TP. Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ tăng dân số ở mức cao. Trong khi đó, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn trong những năm vừa qua còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho hay, việc phân bố mảng xanh của thành phố không đồng đều. Các quận nội thành, trung tâm là nơi có số lượng và diện tích công viên lớn. Trong khi các quận mới, hay quận huyện ngoại thành thì có quỹ đất nhiều nhưng công viên phục vụ người dân lại rất ít. Đây là 1 nghịch lý của đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Cần quy định cụ thể, lộ trình rõ ràng
Để có nhiều mảng xanh, đạt mức 1m2/người vào năm 2030, đặt ra nhiều nội dung về công tác quản lý khai thác công viên cây xanh hiện hữu, công tác quy hoạch rõ ràng, cũng như các giải pháp thực hiện của cơ quan chức năng. Đặc biệt, ngoài phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cần phát triển ưu tiên có mảng xanh trong đô thị.
Trong chương trình dân hỏi chính quyền trả lời tháng 12.2023 với chủ đề quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, quy hoạch hiện nay đã xác định đầy đủ các tiêu chí dân số của thời kỳ quy hoạch. Phân bố công viên, cây xanh đã quy hoạch trải đều khắp các quận, huyện. Tuy nhiên, công viên vẫn còn tập trung ở một số khu vực. Do đó, thời gian tới ngoài ưu tiên phát triển hạ tầng để phục vụ dân cư, cần chú ý thêm mảng xanh để yếu tố này phân bố đều hơn.
Để giải quyết bài toán về nguồn vốn, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Vân cho hay, sẽ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của thành phố.
Các chuyên gia cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần vận dụng sáng tạo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố để tìm cách đưa 600 đề án quy hoạch cây xanh công viên vào thực tế. Các đơn vị quản lý của thành phố cần rà soát toàn bộ quy hoạch công viên đã có, để xem xét bố trí quy hoạch chi tiết, cụ thể, đề xuất hướng xử lý cho từng dự án, cũng như phân cấp, phân kỳ đầu tư với lộ trình rõ ràng. Bởi, thực tế cho thấy, nhiều quận, huyện của thành phố, đất quy hoạch công viên cây xanh khá nhiều nhưng phần lớn đều bỏ hoang; hoặc khi quy hoạch được duyệt thì có công viên cây xanh nhưng chủ đầu tư làm mang tính tạm bợ, thậm chí có dự án được sang tên, đổi chủ nên công viên chỉ là quy hoạch trên giấy…
Ngoài ra, công tác thông tin truyền thông cũng cần được chú trọng và tăng cường hơn, để mọi người đều hiểu việc phát triển công viên, mảng xanh ở đô thị không chỉ là của Nhà nước mà còn chính là đời sống của mỗi người dân. Đầu tư cho môi trường là sự đầu tư cho phát triển bền vững và lâu dài.