Liên quan đến Quỹ phát triển đất quy định tại Điều 113, đại biểu cho rằng: Khoản 1 và khoản 2 của điều này đang mâu thuẫn nhau và không thỏa đáng. Cụ thể, khoản 1 quy định: Quỹ phát triển đất của địa phương là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách…; còn khoản 2 lại quy định: Nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung này.
Dẫn quy định tại khoản 1 Điều 115: Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ UBND cấp tỉnh quyết định thành lập ở cấp tỉnh hoặc cấp huyện để phục vụ công tác phát triển quỹ đất tại địa phương…, đại biểu lập luận: Đã là doanh nghiệp thì không có chức năng “cánh tay nối dài” hay thực hiện chức năng dẫn dắt, định hướng thị trường mà là mang tính kinh doanh (mục tiêu là lợi nhuận)… Do đó, để doanh nghiệp điều phối quỹ này sẽ không ổn.
Cũng theo đại biểu, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa nhất quán. Đơn cử như: Điều 115 đang nói theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp Nhà nước, nhưng tại Chương 16 Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành, Điều 253 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (tức là chỉ có sửa đổi liên quan đến doanh nghiệp)… “Như vậy, vô hình chung khẳng định chỉ có liên quan điều khoản quy định cho doanh nghiệp...; do đó, Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc hai nội dung này”, đại biểu đề nghị.
Liên quan đến phương pháp định giá đất, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 quy định có 5 phương pháp, nhưng dự thảo luật lần này quy định còn 4 phương pháp định giá đất (bỏ phương pháp thặng dư)… Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp so sánh và thặng dư đang được sử dụng tương đối phổ biến ở các địa phương… Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá nguyên nhân, lý do tại sao bỏ phương pháp thặng dư? (trong báo cáo đánh giá tác động chưa lý giải nội dung này); đồng thời, đại biểu cũng cho rằng: Phương pháp nào đang được sử dụng hiệu quả và tương đối phổ biến thì nên có tính kế thừa.
Về giá đất, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự cân đối giữa định giá theo giá thuế, giá bồi thường của Nhà nước khi thu hồi đất và giá đấu thầu phục vụ cho Nhà đầu tư hay giá phục vụ cho sản xuất kinh doanh... “Cần cân đối các nhu cầu của thị trường; đặc biệt phải ưu tiên giá phục vụ sản xuất kinh doanh và cân đối giữa nguồn lợi Nhà nước thu được từ thu thuế và những sinh lợi trên đất. Bởi, sinh lợi trên đất mang tính lâu dài, bền vững hơn; còn những khoản thu thuế theo nguyên tắc thị trường hay theo giá thị trường chỉ mang tính nhất thời và khó kiểm soát và khó thu…”, đại biểu nhấn mạnh và phân tích.
Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng: Nên chăng dự thảo luật cần có sự cân đối lại và theo phương pháp mang tính ổn định?. “Hiện nay, Nhà nước đang kiểm soát giá đất thì vẫn nên áp dụng giá Nhà nước định giá để mang tính chất điều tiết giá và cân đối nhu cầu của các bên (doanh nghiệp, người dân, Nhà nước); đồng thời, mang tính chất đồng đều để phục vụ cho phát triển Nhà nước, doanh nghiệp cũng như người dân”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh.