Vừa qua, kết luận cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Công thương bổ sung báo cáo về việc làm việc với các nhà đầu tư các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông; làm rõ tính khả thi và tiến độ triển khai của các dự án để đề xuất cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn gồm có 5 dự án. Tổng công suất của 5 dự án này lên tới 7.220MW. Bao gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), nhiệt điện Công Thanh 600MW, nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.
Trong đó, dự án nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án và tỉnh Quảng Trị cũng đang đề xuất thay thế bằng nguồn điện LNG theo văn bản ngày 9.8.2023. Dự án nhiệt điện Công Thanh, nhà đầu tư và tỉnh Thanh Hóa cũng đang xin chuyển thành dự án điện khí LNG.
Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, rất khó đảm bảo tiến độ khi đến nay còn hàng loạt vướng mắc cần được tháo gỡ, việc đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện bị "tắc" do những đòi hỏi vượt khung khổ pháp luật hiện hành.
Còn 7.220MW điện than đang chờ phương án xử lý kể trên cũng sẽ khó có thể hoàn thành trong bối cảnh nguồn tín dụng cho điện than bị siết chặt. Vì vậy, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất chuyển sang dùng nhiên liệu LNG. Do vậy, theo các chuyên gia, việc nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chuyển các dự án điện than không có khả năng triển khai sang điện khí LNG là rất cần thiết.
Liên quan đến nhiệt điện Công Thanh, Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Tập đoàn Công Thanh cho biết, Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tốt nhất những thay đổi khi chuyển đổi từ dự án điện dùng nhiên liệu than sang sử dụng điện khí LNG.
Theo đó, Tập đoàn Công Thanh đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tốt nhất những thay đổi khi chuyển đổi dự án sang sử dụng điện khí LNG. Cụ thể, về công suất, với diện tích hiện có đã hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt đến cao độ thiết kế, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng cho nhà máy điện khí LNG chu trình hỗn hợp, công suất tới 3.000 MW (4 tổ máy công suất 750 MW), diện tích các khu vực chính gồm mặt bằng nhà máy chính 64 ha; mặt bằng kho cảng LNG 22,5 ha; tuyến hành lang kỹ thuật gồm đường ống cấp thải nước làm mát, cấp khí 10,5 ha; mặt nước khu cảng LNG 100 ha.
Trường hợp chọn tổ máy có công suất cao hơn (800 MW hoặc 1.000 MW) thì tổng công suất nhà máy sẽ nâng lên tương ứng (4.000 đến 5000 MW).
Tuy nhiên, Công Thanh đề nghị giai đoạn trước năm 2030, xây dựng và đưa vào vận hành 1.500 MW tương ứng là 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 750 MW, mới khai thác được 50% lợi thế của địa điểm đã có sẵn.
Về điện năng, Dự án sẽ tăng điện năng sản xuất từ 3,9 tỷ kWh/năm lên 9 tỷ kWh/năm, tương ứng với công suất 1.500 MW. Với những thay đổi đó, tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD.
Về Tổ hợp nhà đầu tư, Tập đoàn Công Thanh đã khảo sát, đánh giá năng lực các nhà đầu tư quốc tế và đã lựa chọn, đàm phán và ký Thỏa thuận Hợp tác đầu tư dự án điện khí LNG Công Thanh 1.500 MW với các nhà đầu tư hàng đầu, có năng lực tốt trên thế giới gồm BP (BP Gas & Power Investment - Anh Quốc), GE (GE Capital Limited - Hoa Kỳ) và Actis (Actis Ambergen 2 Ltd - Anh Quốc).