
Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là phải xác định phạm vi ngân sách. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), phạm vi ngân sách là ngân sách toàn diện, nghĩa là tất cả các khoản thu, chi của nhà nước bao phủ cho toàn bộ khu vực công. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để phân biệt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì xác định phạm vi ngân sách chỉ nên giới hạn trong khu vực chính phủ. Ngân sách chính phủ theo nghĩa rộng là ngân sách của các cấp chính quyền với các hoạt động mang đầy đủ sự cam kết và bảo lãnh của nhà nước đối với các quỹ tài chính nhà nước bên cạnh ngân sách. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa hẹp, ngân sách chính phủ chỉ là ngân sách của các cấp chính quyền mà không bao gồm sự cam kết và bảo lãnh đối với các quỹ tài chính nhà nước khác. Một số quốc gia lại có cái nhìn hẹp hơn, khi tính bội chi ngân sách nhà nước họ chỉ tính bội chi liên quan đến hoạt động ngân sách do chính quyền trung ương trực tiếp thực hiện. Đi đôi với quan điểm này là việc không cho phép ngân sách địa phương bội chi. Cách xác định phạm vi tính bội chi ngân sách hẹp như vậy là nhằm thiết lập kỷ luật tài chính tổng thể trong điều kiện năng lực quản lý có nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, thu, chi trong cân đối ngân sách là các khoản thu, chi được đưa vào công thức xác định mức bội chi ngân sách. Đây chính là nội dung kinh tế của bội chi ngân sách. Như vậy, bên cạnh thu và chi trong cân đối, trong thu và chi ngân sách còn có các khoản thu, chi ngoài cân đối, như: các khoản bù đắp bội chi, các khoản ghi thu - ghi chi...
Theo thông lệ quốc tế, thu trong cân đối ngân sách bao gồm các khoản thu vào quỹ ngân sách mà khoản thu đó không kèm theo, không làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả trực tiếp. Chi trong cân đối ngân sách là các khoản chi ra từ ngân sách được bảo đảm bằng các nguồn thu ngân sách trong cân đối. Điều này cũng có nghĩa là những khoản chi của nhà nước nhưng do các nguồn khác đảm nhiệm thì không tính vào chi trong cân đối ngân sách. Như vậy, theo thông lệ quốc tế, thu trong cân đối ngân sách bao gồm: các khoản thu thuế, phí và các khoản thu khác (kể cả viện trợ không hoàn lại) mà không bao gồm các khoản vay trong và ngoài nước. Mặc dù theo thông lệ quốc tế viện trợ không hoàn lại là khoản thu trong cân đối, song chúng thường không có kế hoạch chắc chắn, không ổn định. Chính vì vậy, IMF cũng từng khuyến cáo rằng khi phân tích ngân sách để lập dự toán thì chỉ nên coi các nguồn viện trợ, kể cả viện trợ không hoàn lại, là nguồn bù đắp thâm hụt như các khoản vay nợ.
Chi trong cân đối ngân sách bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, các khoản chi khác, chi trả lãi vay mà không bao gồm chi trả nợ gốc tiền vay. Chi trả lãi tiền vay cần được xếp vào chi ngân sách vì nó là hệ quả của việc điều hành chính sách ngân sách có bội chi và được chính nguồn thu trong cân đối ngân sách bảo đảm. Theo thông lệ quốc tế, chi ngân sách để xác định bội chi chỉ bao gồm trả nợ lãi trong và ngoài nước, không bao gồm trả nợ gốc nhưng bao gồm cả các khoản vay về cho vay lại.
Luật các nước thường quy định rõ, thu trong cân đối ngân sách bao gồm những khoản thu nào, chi trong cân đối ngân sách bao gồm những khoản chi nào, và những khoản nào là thu bù đắp bội chi. Theo nghĩa đó, cân đối ngân sách phải hướng đến đạt được tính bền vững để qua đó ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những bất ổn trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế.