Những hệ lụy không mong muốn
Là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao, một trong những phương án mà Chính phủ Malaysia đưa ra để giải quyết tình trạng này là tăng thuế để khiến thuốc lá trở nên đắt đỏ hơn.
Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá. Thuế TTĐB tại Malaysia được tính RM220 trên 1.000 điếu thuốc, và mức thuế đã tăng gần gấp đôi, lên RM400 trên 1.000 điếu thuốc vào năm 2015. Điều này khiến giá thuốc lá hợp pháp cũng tăng đột ngột 40-50%. Ông Pankajkumar, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin Dữ liệu Đo lường Malaysia cho rằng, thuốc lá hợp pháp trở nên rất đắt tiền, đặc biệt đối với nhóm thu nhập thấp - đây là nhóm có tỷ lệ người hút thuốc khá cao, dẫn đến số lượng hàng nhập lậu vào Malaysia ngày càng gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhìn nhận về thực trạng này, đại diện từ PwC Việt Nam cũng cho rằng, sau khi Chính phủ Malaysia tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm kể từ năm 2014, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát 5,1 tỷ RM tiền thuế, thu ngân sách sau tăng thuế đã bị giảm so với thời điểm trước tăng thuế, trong khi đó tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại tăng 5% sau khi tăng thuế và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này.
Thời gian qua, Chính phủ Malaysia cũng đã nỗ lực đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp bằng cách áp đặt các điều kiện mới, đặc biệt là liên quan đến kiểm soát biên giới cũng như các trạm kiểm soát. Khi nói về các biện pháp này, ông Pankajkumar cho rằng, thực tế đã chứng minh các biện pháp này giúp kiểm soát thuốc lá lậu nhưng không đáng kể. Theo số liệu được thống kê vào tháng 5.2024 cho thấy, tỷ lệ thuốc lá bất hợp pháp trên thị trường giảm xuống ở mức 54,8%.
Nhận định về tình hình buôn lậu thuốc lá, ông Pankajkumar cho rằng, mức giảm tỷ lệ buôn lậu thuốc lá từ mức cao 63,8% xuống còn 54,8% như hiện nay tại Malaysia quá nhỏ. Mặc dù Chính phủ nước này đã không tăng thuế trong một thời gian kể từ năm 2015, nhưng tỷ lệ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp ở Malaysia vẫn khá cao, ở mức trên 50%.
Theo ông Pankajkumar, ngoài việc không phải trả bất kỳ loại thuế nào, mức độ an toàn hay hàm lượng tar-nicotine của thuốc lá bất hợp pháp cũng không được kiểm soát, gây ra mối quan ngại rất lớn cho sức khỏe người dùng.
Ngoài ra, ông Pankajkumar cho biết một số nhà sản xuất thuốc lá tại Malaysia đã lần lượt ngừng hoạt động do hậu quả của việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Điều này khiến cho người lao động trong ngành thuốc lá mất việc làm, đặc biệt là tại các nhà máy sản xuất thuốc lá...
Tránh tăng thuế đột ngột
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, quy định mức thuế suất là 75%, đồng thời đưa ra 2 phương án đối với mức thuế tuyệt đối với thuốc lá điếu. Theo đó, phương án 1 được áp dụng: Từ 2026 mức thuế tuyệt đối là 2.000 đồng/bao; từ 2027 là 4.000 đồng/bao; từ 2028 là 6.000 đồng/bao; từ 2029 là 8.000 đồng/bao; từ 2030 là 10.000 đồng/bao. Trong khi đó, phương án 2, Chính phủ đề xuất từ 2026 mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao; từ 2027 là 6.000 đồng/bao; từ 2028 là 7.000 đồng/bao từ 2029 là 8.000 đồng/bao, từ 2030 là 10.000 đồng/bao.
Trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta hiện nay, cần có một lộ trình tăng thuế phù hợp nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các đơn vị. Do đó, đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, rà soát để việc áp dụng thuế vừa mang tính chất là nguồn thu song vẫn đảm bảo được yêu cầu trong việc hỗ trợ người dân từng bước chuyển đổi sản xuất, chế biến các nguyên liệu thuốc lá trong giai đoạn tới.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)
Phát biểu tại tổ mới đây về nội dung này của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm này là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định tăng thuế như dự thảo luật là rất đột ngột, một số doanh nghiệp gọi là tăng “sốc”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu tăng theo lộ trình, tăng theo mức độ cho phù hợp để các doanh nghiệp thuốc lá có thời gian điều chỉnh hoạt động, hành vi sản xuất của mình.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đồng tình với việc giữ nguyên quy định mức thuế suất là 75% tại dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc giữ nguyên quy định thuế suất là 75% là hợp lý, bởi nếu mức tăng quá đột ngột sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, cũng như các doanh nghiệp phụ trợ. Hay như đối với người nông dân trồng loại cây này, nếu chúng ta không có lộ trình phù hợp, đột ngột quá thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.