Cụ thể, các dự án này được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi là cầu Thái Hà và cầu Ba Vì - Việt Trì. Nhóm 2 là dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả thu phí hoàn vốn qua trạm thu phí La Sơn - Túy Loan. Nhóm 3 là 2 dự án đã hoàn thành không được thu phí (tuyến tránh TP. Thanh Hóa và cầu Bình Lợi); 2 dự án chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn Nhà nước nhưng vẫn không khả thi (quốc lộ 91 đoạn qua TP. Cần Thơ và tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100); 1 dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự (quốc lộ 14 qua Đắk Lắk).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, tùy dự án cụ thể, Bộ đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ dự án để tiếp tục thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Một số dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương có trạm thu phí tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa thu phí, bị ảnh hưởng doanh thu khi nhu cầu vận tải không như kỳ vọng do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế - xã hội hoặc có thêm các tuyến giao thông song hành.
Ngoài ra, Bộ cũng đã trực tiếp trao đổi với các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng... để có giải pháp giải quyết theo hướng cùng nhau khắc phục tồn tại, bất cập, giảm tối đa thiệt hại và theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thực tế, những vướng mắc tại 8 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải đã diễn ra từ lâu. Nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc này là do hệ thống pháp luật điều chỉnh các dự án BOT trước khi có Luật PPP trước còn hạn chế, bất cập.
Quy định về trạm thu phí và chính sách phí chưa chặt chẽ, còn thiếu các quy định về tham vấn các đối tượng bị ảnh hưởng, chưa có chính sách chia sẻ rủi ro. Thời gian hợp đồng các dự án dài, trong khi một số quy hoạch trước đây chưa có định hướng dài hạn và thường xuyên thay đổi. Công tác dự báo nhu cầu vận tải chưa được hướng dẫn kịp thời...
Bên cạnh đó, do đầu tư PPP là phương thức mới, phức tạp, các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm nên chưa thể lường hết các tình huống phát sinh, những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra. Các cá nhân, tổ chức tham gia chưa có kinh nghiệm nên chưa lường hết những tác động đến người dân, người sử dụng dịch vụ…
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc này, ngoài các giải pháp đã nêu trước đây, mới đây nhất, vào tháng 3 vừa qua, Bộ đã có Tờ trình số 2451/TTr - BGTVT gửi Chính phủ đề xuất các nguyên tắc, giải pháp xử lý với tổng số vốn dự kiến hơn 10.600 tỷ đồng. Theo đó chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan, cơ quan nhà nước vi phạm việc thực hiện hợp đồng, các bên đã áp dụng các giải pháp theo quy định của hợp đồng nhưng vẫn không khả thi.
Trong mọi trường hợp, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc do lỗi chủ quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.Việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm...
Như vậy, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý các vướng mắc. Cho nên, vấn đề như ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc tại các dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải cũng như các dự án triển khai trước khi Luật PPP được ban hành, có hiệu lực. Phải chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, quá trình thay đổi, hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật trong từng thời kỳ về PPP, trách nhiệm của các bên liên quan, từ đó đề xuất giải pháp xử lý tổng thể, dứt điểm.